VKS ‘bênh’ chủ sà lan?

Mới đây, TAND huyện Châu Thành (Long An) đã tuyên phạt Võ Văn Quốc tám năm tù tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, Đặng Ngọc Thanh bảy năm tù về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. Điều đáng chú ý ở vụ án này là tòa còn yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Phạm Thanh Sang (chủ sà lan gây tai nạn), dù trước đó VKS đã từng nhiều lần từ chối.

Bỏ lọt chủ sà lan?

Theo cáo trạng, ông Sang hùn tiền với một người khác mua sà lan. Cả hai thống nhất giao sà lan cho ông Sang khai thác, sử dụng. Sau đó ông Sang thuê Thanh làm thuyền trưởng với tiền công mỗi tháng 17 triệu đồng. Ông Sang giao khoán cho Thanh toàn quyền thuê người đi trên sà lan.

Ngày 30-4-2013, Thanh lái sà lan đi từ TP.HCM về sông Vàm Cỏ đoạn ngang huyện Châu Thành. Lúc này trên sà lan còn có ông Sang và Quốc. Thanh giao lại sà lan cho Quốc (không có bằng lái) điều khiển sà lan để về nhà dự đám giỗ.

Sau đó, ông Sang và Quốc chạy đến tỉnh Vĩnh Long lấy cát rồi quay về TP.HCM để đi tiếp chuyến hàng thứ hai. Tối 1-5, ông Sang điều khiển sà lan từ TP.HCM đến tỉnh Long An thì giao lại cho Quốc. Do không chú ý quan sát, Quốc đã đụng chìm một chiếc ghe chạy cùng chiều làm cho ba người là ba mẹ con tử vong, trong đó có một cháu bé một tuổi, một cháu bé hơn ba tuổi.

Ngoài việc tuyên bị cáo Thanh (trái) phạm tội, tòa còn yêu cầu VKS khởi tố chủ sà lan. Ảnh: N.NGA

Sau đó hai người làm thuê cho ông Sang là Thanh và Quốc đã bị khởi tố. Riêng về phần trách nhiệm của ông Sang, tháng 5-2014, họp liên ngành, chánh án TAND huyện Châu Thành nêu quan điểm: “Thời điểm Thanh rời sà lan không bàn giao nhiệm vụ thuyền trưởng cho Sang. Nhưng Sang là chủ phương tiện có mặt trên sà lan nên mặc nhiên chủ phương tiện phải có trách nhiệm quản lý hành trình, yêu cầu dừng phương tiện khi không có thuyền trưởng. Thế nhưng Sang vẫn để cho Quốc không có giấy phép điều khiển nên hành vi của Sang cấu thành tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Tuy nhiên, ý kiến này không được cơ quan điều tra và VKS đồng tình.

Sau khi nhận cáo trạng và hồ sơ truy tố Thanh, Quốc do VKS chuyển qua, tháng 6-2014, TAND huyện Châu Thành trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau đó VKS vẫn cương quyết bảo lưu quan điểm ông Sang không phạm tội. VKS lập luận theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 28/2004 của Bộ GTVT thì thuyền trưởng là người chỉ huy cao nhất trên phương tiện. Khi rời khỏi phương tiện, thuyền trưởng phải bàn giao nhiệm vụ bằng văn bản. Lúc đó ông Sang có trên tàu nhưng không có quyền quyết định.

Ngày 2-7, TAND huyện Châu Thành đã mở phiên xử sơ thẩm lần đầu. Tại phiên tòa này, Quốc đã bật khóc, khai Thanh giao sà lan cho ông Sang chứ không phải cho mình. “Bị cáo thấy tội cho gia đình nạn nhân. Ông Sang hứa thay bị cáo đền bù để bị cáo không khai ra ông Sang và lo cho bị cáo được nhẹ án. Nhưng nay ông Sang không đền bù đủ, lại buộc bị cáo phải đền trong khi bị cáo không có tiền” - Quốc nói.

TAND huyện Châu Thành đã hoãn xử, yêu cầu VKS điều tra bổ sung. Sau đó ông Sang và đồng chủ sở hữu sà lan đã bồi thường hơn 400 triệu đồng cho phía gia đình nạn nhân.

Còn nhiều khuất tất

Tại phiên xử sơ thẩm lần hai của TAND huyện Châu Thành ngày 26-8 vừa qua, Quốc lại khai rằng Thanh đã giao sà lan cho mình chứ không phải ông Sang. Lý do thay đổi lời khai vì trước đây Quốc có sự trao đổi với Thanh trong trại tạm giam.

Trong khi đó, Thanh nói lúc đầu thuê Quốc làm việc trên sà lan nhưng sau đó thì ông Sang thuê. Bị cáo là thuyền trưởng nhưng phải làm việc dưới sự điều khiển của chủ sà lan là ông Sang. “Tôi xin ông Sang về đám giỗ. Ông Sang đồng ý nên tôi bàn giao sà lan cho ông Sang. Tai nạn xảy ra, ông Sang nói tôi đứng ra chịu tội thay rồi hứa lấy tiền bảo hiểm đưa cho tôi. Ai làm người đó chịu chứ không đổ lỗi cho tôi được” - Thanh nói.

Ông Sang phủ nhận, bảo Quốc là do Thanh thuê làm, Thanh rời khỏi sà lan không thông báo gì cho ông biết.

Trước tình huống trên, đại diện VKS đã công bố lời khai của hai phạm nhân (giam chung với Thanh) nói Thanh đã xúi dục Quốc phản cung trong phiên tòa ngày 2-7. “Tôi không có thông cung, xin tòa cho mời các phạm nhân khác trong trại giam lên đối chất với tôi” - bị cáo Thanh khẳng định.

VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị phạt Quốc và Thanh 7-8 năm tù. Tranh luận, luật sư của Thanh cho rằng Thanh vô tội, chính ông Sang mới đổ lỗi cho Thanh. “Vụ án không có nhân chứng, chỉ có lời khai của ông Sang và bị cáo Quốc. Trong các bút lục lúc thì ông Sang và Quốc khai Thanh giao sà lan cho ông Sang, lúc khai giao cho Quốc. Hỏi ngày giờ, lịch trình đi thì ông Sang bảo mất. Phiên tòa lần thứ nhất, Quốc khai Thanh không có tội, giờ khai ngược lại. Vậy lời khai nào mới chính xác?” - luật sư của Thanh đặt vấn đề.

Luật sư của gia đình nạn nhân yêu cầu tòa hoãn xử để triệu tập nhân chứng: “Tại phiên tòa trước, Quốc khai có nhân chứng Vũ (người lái đò đã đưa Thanh rời khỏi sà lan). Nhưng sau đó cơ quan điều tra lại không lấy lời khai của người này mà lại đi lấy lời khai của hai phạm nhân giam chung phòng với bị cáo Thanh, không liên quan đến vụ án để kết tội bị cáo Thanh là không có cơ sở. Chuyến hàng ban đầu đã kết thúc, tức hành vi vi phạm (nếu có) của Thanh cũng đã kết thúc. Ông Sang đã điều Quốc đi chuyến hàng thứ hai mới để xảy ra tai nạn. Vậy ông Sang phải chịu trách nhiệm”.

Cuối cùng theo tòa, bị cáo Thanh vẫn có tội. Tuy nhiên, tòa cũng yêu cầu VKS phải khởi tố thêm ông Sang về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.

NGÂN NGA

KSV ngồi uống cà phê với ông Sang trước giờ xử

Đầu phiên xử ngày 26-8, luật sư của gia đình nạn nhân đã yêu cầu tòa hoãn xử để thay đổi kiểm sát viên (KSV) Trương Văn Vũ, người giữ quyền công tố tại phiên tòa. Luật sư cho biết: “Lúc nãy tôi đi mua nước đã bắt gặp KSV Vũ đang ngồi uống cà phê với ông Sang là người bị nghi vấn phạm tội. Tôi cho rằng như vậy sẽ làm mất đi tính khách quan của vụ án”.

KSV Vũ thì lý giải việc ngồi uống nước chung với ông Sang đơn giản như sau: “Tôi tình cờ ngồi uống nước thì có ông Sang đi qua vào ngồi”.

KSV Trương Văn Vũ đang ngồi uống cà phê với ông Sang - người bị tòa yêu cầu VKS khởi tố. Ảnh: N.NGA

Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa ra thông báo không chấp thuận đề nghị hoãn xử để yêu cầu VKS đổi KSV khác của luật sư với lý do: “Xét thấy việc KSV ngồi uống cà phê với đương sự Sang là không đúng quy định của pháp luật nhưng việc này không làm thay đổi nội dung vụ án”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Công Pha (Phó Viện trưởng VKS tỉnh Long An) cho biết: “KSV ngồi uống cà phê chung với đương sự như vậy sẽ dẫn đến người khác dị nghị và theo quy định cũng không được phép. Ngay cả mình thấy không đúng huống gì nhân dân nên gia đình người bị hại sẽ bức xúc. Trong quy định đã cấm KSV tư vấn cho bị cáo, người liên quan, cấm tiếp dân ở nhà riêng... Chúng tôi sẽ làm việc lại với KSV Vũ và VKS huyện Châu Thành”.

KSV ngồi uống cà phê với đương sự ngay trước giờ tòa xử như vậy có vi phạm gì không theo quy định hiện hành? Trong trường hợp này, tòa có nên hoãn xử để đề nghị VKS thay đổi KSV khác hay vẫn tiếp tục xét xử bình thường? Xin mời bạn đọc theo dõi ý kiến của các chuyên gia trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 4-9.

Chủ sà lan phải chịu trách nhiệm

Tình tiết của vụ án cho thấy trước khi xảy ra tai nạn, chính ông Sang đã giao sà lan cho Quốc điều khiển. Ông Sang là chủ phương tiện có mặt trên sà lan nên mặc nhiên chủ phương tiện phải có trách nhiệm quản lý hành trình, yêu cầu dừng phương tiện khi không có thuyền trưởng. Thế nhưng ông Sang vẫn để cho Quốc không có giấy phép điều khiển sà lan nên hành vi của ông Sang là hành vi điều động hoặc giao cho người không có giấy phép, bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật chỉ huy hoặc điều khiển các phương tiện giao thông.

Mặt khác, Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2013 của Bộ Quốc phòng - Bộ Tư pháp - Bộ Công an - VKSND Tối cao - TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX BLHS về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông) quy định: Chủ sở hữu sà lan có quyền giao hoặc điều động ai chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông. Chỉ huy sà lan không có quyền điều động hoặc giao cho người khác chỉ huy hoặc điều khiển phương tiện giao thông khi có mặt chủ sở hữu là người có quyền này. Do vậy khi ông Sang (chủ sở hữu sà lan) đang ở trên sà lan thì người có quyền điều động hoặc giao cho người khác điều khiển sà lan là ông Sang chứ không phải là Thanh.

TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới