Sáng 30-8, tại Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (quận Tân Bình, TP.HCM), VKSND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã tổ chức xin lỗ, cải chính công khai đối với người bị truy tố oan sai là ông Nguyễn Văn Túy (lái tàu trong vụ tai nạn cầu Ghềnh năm 2011).
Phát biểu xin lỗi công khai, đại diện VKSND TP Biên Hòa, ông Danh Huệ, cho biết việc truy cứu trách nhiệm hình sự của cơ quan tố tụng đã gây ảnh hưởng về vật chất và tinh thần và ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông Túy.
“Chúng tôi hiểu rằng trong suốt thời gian bị tạm giam ông phải sống thiếu tự do, nhọc nhằn, tinh thần và tâm lý bị ảnh hưởng, phải xa gia đình, người thân, kinh tế gia đình giảm sút. Những thiệt hại, mất mát không ai có thể bù đắp và hiểu bằng chính bản thân ông và gia đình. Những lời xin lỗi của chúng tôi hôm nay chỉ là sự bù đắp vô cùng nhỏ bé so với những gì mà ông và gia đình phải chịu đựng...” - ông Huệ nói.
Ông Túy cho rằng buổi xin lỗi công khai của VKSND TP Biên Hòa quá chậm, đúng ra là phải xin lỗi ngay sau khi có quyết định đình chỉ vụ án. Bên cạnh đó, Tòa phúc thẩm tỉnh Bình Dương tuyên số tiền 320 triệu đồng mà VKS phải bồi thường là quá thấp so với những mất mát mà gia đình ông đã phải gánh chịu khi cơ quan tố tụng gây oan sai. "Hiện tôi đã kháng cáo bản án đòi bồi thường" - ông Túy cho biết.
Ông Túy bức xúc về việc cơ quan tố tụng đã gây oan sai cho mình mà hơn năm năm mới tổ chức xin lỗi công khai. Ảnh: VŨ HỘI
“Tôi xin chân thành cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn bè, những đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Có được ngày hôm nay nhờ mọi người đã quan tâm, động viên tôi và gia đình trong suốt gần năm năm khó khăn...” - ông Túy chia sẻ.
Trước đó, ngày 22-2, Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên chấp nhận một phần kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, buộc VKSND TP Biên Hòa (Đồng Nai) bồi thường số tiền hơn 322 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Túy vì giam oan gần 300 ngày.
Theo hồ sơ, tối 6-2-2011, ông Túy lái chính cùng phụ lái Nguyễn Xuân Phú lái tàu SE2 từ ga Sài Gòn đến ga Mương Mán (Bình Thuận). Khi đến gần cầu Ghềnh (TP Biên Hòa) thì tổ lái nhận được tín hiệu đèn cho tàu vào cầu. Khi đến gần cầu, ông Túy phát hiện ô tô kẹt trên cầu nên hãm thắng gấp nhưng không kịp. Tai nạn làm hai người chết, 22 người bị thương.
Công an TP Biên Hòa bắt tạm giam bốn nhân viên gác chắn, một nhân viên thông tin tín hiệu, một tài xế taxi, ông Túy và ông Phú. Sau đó ông Túy bị khởi tố về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và bị giam hơn chín tháng. Sau đó, ông Túy được đình chỉ điều tra, xác định hành vi của ông không phạm tội. Ông Phú cũng được đình chỉ.
Sau khi được đình chỉ, ông Túy yêu cầu VKSND TP Biên Hòa xin lỗi và bồi thường oan. Do hai bên thương lượng không thành nên ông Túy khởi kiện VKSND TP Biên Hòa ra TAND thị xã Thuận An (Bình Dương). TAND thị xã Thuận An xử sơ thẩm tuyên buộc VKSND TP Biên Hòa phải xin lỗi công khai và bồi thường cho ông Túy hơn 274 triệu đồng. Nhưng ông kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường.
Tại phiên phúc thẩm, sau khi xem xét các chứng cứ, HĐXX tuyên VKSND TP Biên Hòa phải bồi thường tổng số tiền hơn 322 triệu đồng.
Riêng lái tàu phụ Nguyễn Xuân Phú, tòa sơ thẩm TAND quận 9 đã mở phiên tòa xét xử tuyên buộc VKSND TP Biên Hòa phải bồi thường cho ông Phú số tiền 349 triệu đồng. Ông Phú không đồng ý, kháng cáo. Ngày 29-8, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên VKSND TP Biên Hòa bồi thường số tền là 502,5 triệu đồng.