VKS đề nghị mức án với các cựu lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn

(PLO)- Theo VKS, hành vi của các bị cáo là cựu lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn đã xâm phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 4-7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử sơ thẩm đối với 8 bị cáo từng là lãnh đạo Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco).

Theo đó, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Tín Trung (cựu chủ tịch HĐTV Resco) là 6-7 năm tù; Nguyễn Phước Ngọc (cựu tổng giám đốc, chủ tịch HĐTV Resco) 5-6 năm tù; Đỗ Văn Phúc (cựu thành viên HĐTV Resco) và Trần Công Đức (cựu thành viên HĐTV Resco) cùng mức án 4-5 năm tù.

Các bị cáo Võ Hữu Hải (cựu thành viên HĐTV Resco), Hoàng Hải Đăng (cựu phó tổng giám đốc Resco), Nguyễn Thị Thúy Hằng (cựu thành viên HĐTV Resco), Nguyễn Đình Phú (cựu phó tổng giám đốc Resco) cùng mức án 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

VKS cũng đề nghị HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn
Toàn cảnh phiên xét xử cựu lãnh đạo Tổng công ty địa ốc Sài Gòn. Ảnh: SONG MAI

Theo đại diện VKS, kết quả điều tra, thẩm vấn tại tòa đủ căn cứ xác định, UBND TP đã thống nhất chủ trương việc chuyển giao quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở tại các mặt bằng nhà, đất được hoàn vốn đầu tư từ dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây giai đoạn 1 cho các đơn vị thành viên Resco.

Theo đó, Resco phải tiếp tục chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng đối với mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt, tiếp tục tiếp tục quản lý sử dụng để đầu tư khai thác kinh doanh đối với mặt bằng 682 Hồng Bàng và quản lý sử dụng đất, thực hiện dự án đầu tư đối với mặt bằng Bình Đăng, quận 8.

Tuy nhiên, 8 bị cáo tại Resco đã không thực hiện đúng khi chuyển nhượng mặt bằng 289/18 Lý Thường Kiệt và 682 Hồng Bàng cho các doanh nghiệp liên kết, không phải công ty thành viên Resco; chuyển nhượng không thông qua đấu giá, chưa có sự đồng ý của UBND TP đối với mặt bằng Bình Đăng. Cả 3 mặt bằng trên đều không thẩm định giá theo giá thị trường trước khi chuyển nhượng.

Việc vi phạm các quy định nêu trên đã gây thất thoát cho Resco tại thời điểm chuyển nhượng hơn 45 tỉ đồng. Trong đó, mặt bằng 299/18 Lý Thường Kiệt thất thoát hơn 2,1 tỉ đồng, mặt bằng 682 Hồng Bàng thất thoát hơn 1,8 tỉ đồng, mặt bằng Bình Đăng thất thoát hơn 41,4 tỉ đồng.

Tổng công ty địa ốc Sài Gòn.jpg
Bị cáo Nguyễn Tín Trung (áo vàng, bìa phải) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: SONG MAI

Theo VKS, các bị cáo trong vụ án đều là những người có trình độ về quản lý điều hành, có đầy đủ năng lực để nhận thức được những hành vi phù hợp với quy định của pháp luật và trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vì những động cơ, mục đích khác nhau, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn. Làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước, tạo dư luận xấu trong xã hội. Do đó cần phải xử lý nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục.

Các bị cáo Nguyễn Tín Trung, Nguyễn Phước Ngọc, Trần Công Đức, Đỗ Văn Phúc, Võ Hữu Hải và Hoàng Hải Đăng bị áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội từ 2 lần trở lên.

Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị HĐXX xem xét, quá trình quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, xác định các bị cáo gây thất thoát tài sản nhà nước nhưng chưa có căn cứ xác định các bị cáo được hưởng lợi. Các bị cáo đều có thái độ thành khẩn, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; được tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác và tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả. Đồng thời, Resco đã có đơn xin giảm nhẹ cho tất cả các bị cáo.

Đặc biệt, tại tòa, Công ty Địa ốc 5 (công ty Resco chuyển nhượng mặt bằng Bình Đăng) đã xin nộp toàn bộ số tiền thất thoát tại mặt bằng Bình Đăng. Nên thiệt hại của vụ án gần như đã được khắc phục toàn bộ. Các bị cáo đều có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ, đủ điều kiện áp dụng các khoản 1, 2 Điều 54 BLHS (Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng).

VKS cũng đề nghị HĐXX cân nhắc vai trò, tính chất mức độ, thái độ nộp nhiều hơn số tiền bản thân phải chịu trách nhiệm của các bị cáo để có mức án phù hợp, nhân văn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm