Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa bắt tạm giam Nguyễn Thành Trung (nguyên thượng tá, trưởng Công an huyện Khánh Sơn, phó giám thị trại tạm giam Công an tỉnh Khánh Hòa).
Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Nguyễn Thành Trung liên tục kêu oan, không khai nhận bất cứ điều gì liên quan đến vụ “ăn chặn kỳ nam” xảy ra tại Công an huyện Khánh Sơn cũng như phủ nhận toàn bộ cáo buộc của VKS. Đến tháng 3-2016, trong thời gian chờ TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lần hai, Nguyễn Thành Trung đã được tòa này ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại.
Điều tra lại tội nặng hơn
Đến nay, bị can này lại bị bắt tạm giam để phục vụ cho việc điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm lần hai diễn ra hồi tháng 8-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa phạt Nguyễn Thành Trung chín năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Ngoài ra, tòa phạt ba cựu cán bộ Công an huyện Khánh Sơn là Nguyễn Hồng Hà (nguyên trung tá, đội trưởng Đội CSGT) và Vũ Anh Trung (nguyên thiếu tá, đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường) mỗi người năm năm sáu tháng tù, Trần Lệ Kiên (nguyên thượng úy, đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp) năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội này, tòa còn phạt Luân Văn Nam hai năm sáu tháng tù với vai trò đồng phạm.
Tại phiên xử phúc thẩm lần hai hồi tháng 11-2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận định hành vi của Nguyễn Thành Trung không đủ dấu hiệu cấu thành tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Hà, Anh Trung, Kiên, Nam. Do tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nặng hơn tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nên cấp phúc thẩm không thể sửa mà phải hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến Nguyễn Thành Trung để điều tra lại theo thủ tục chung.
Nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn Nguyễn Thành Trung tại phiên xử sơ thẩm lần hai tháng 8-2015. Ảnh: TẤN LỘC
Từng khởi tố hai tội nhưng VKS hủy một
Theo hồ sơ, ngày 11-6-2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thành Trung để điều tra về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Theo CQĐT, trong quá trình điều tra vụ án trên, Nguyễn Thành Trung không khai báo bất cứ vấn đề gì liên quan đến vụ việc mặc dù các bị can, những người liên quan khác đã khai nhận hành vi sai phạm của mình và khai báo rõ về hành vi của Trung, kể cả nhận dạng. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị xử lý nghiêm khắc đối với Nguyễn Thành Trung để giáo dục chung.
Ngay từ thời điểm đó, CQĐT đã nhận định: Ngoài hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, Nguyễn Thành Trung còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với vai trò đồng phạm với các bị can Hà, Anh Trung, Kiên. Do đó, ngày 9-9-2013, CQĐT ra quyết định khởi tố bổ sung đối với Nguyễn Thành Trung tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, đến ngày 24-10-2013, VKSND tỉnh ra quyết định hủy quyết định khởi tố bổ sung nói trên. Sau đó, VKS tỉnh cho rằng vụ án thuộc thẩm quyền truy tố, xét xử của cấp huyện nên quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Khánh Sơn truy tố.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu hồi tháng 6-2014, TAND huyện Khánh Sơn đã phạt Nguyễn Thành Trung 10 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Xử phúc thẩm lần đầu hồi tháng 9-2014, TAND tỉnh Khánh Hòa hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu…
Nội dung vụ án Theo hồ sơ, đầu tháng 9-2012, hàng ngàn người đổ về rừng Gộp Ngà (Khánh Sơn) tìm kỳ nam. UBND huyện Khánh Sơn thành lập đội liên ngành do Công an huyện Khánh Sơn làm thường trực với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Tối 26-9-2012, nhóm ông Trần Văn Khánh đào được một đoạn trầm kỳ. Rất đông người dân cầm cuốc xẻng vây quanh la hét ồn ào nên Kiên bắn một phát súng chỉ thiên để ổn định tình hình. Sợ bị cướp mất đoạn trầm kỳ, ông Khánh giao cho Kiên giữ. Khi Kiên mang đoạn trầm kỳ về đến chốt của đội liên ngành thì Anh Trung, Hà nói không có chủ trương thu giữ trầm kỳ của dân. Tuy nhiên, Hà yêu cầu mọi người trong đội phải giữ im lặng, xử lý thế nào là của lãnh đạo đội liên ngành. Sau đó, Anh Trung chỉ đạo Kiên đem đoạn trầm kỳ về nhà Kiên cất. Lúc này, trên bãi trầm, một nhóm khác cũng đào được đoạn trầm kỳ dài khoảng 20 cm. Nam (bảo kê bãi trầm) yêu cầu đưa đoạn trầm kỳ cho mình. Trên đường Nam đi xuống núi thì gặp Hà đi lên. Nam đưa đoạn trầm cho Hà. Hà đưa lại cho Nam, dặn đem giấu để sau bán lấy tiền chia nhau. Hôm sau, Nguyễn Thành Trung gọi cho Kiên, Anh Trung hỏi về đoạn trầm kỳ Kiên đang giữ. Tối cùng ngày, Nguyễn Thành Trung đến một quán cà phê gặp Anh Trung, Hà, Hoàng Xuân Vương (bảo kê bãi trầm) và đại diện nhóm phu trầm. Nguyễn Thành Trung yêu cầu đưa đoạn trầm kỳ để mình đi bán, thống nhất tỉ lệ ăn chia là đội liên ngành 40%, nhóm phu trầm 40%, nhóm bảo kê 20%. Sau đó, Kiên mang đoạn trầm kỳ bỏ vào ô tô của Nguyễn Thành Trung để đem đi bán. Chiều 28-9-2012, bán xong, Nguyễn Thành Trung trực tiếp chia cho nhóm bảo kê 800 triệu đồng, đội liên ngành 1,4 tỉ đồng, nhóm phu trầm 1,6 tỉ đồng. Nhóm bảo kê đã đưa lại cho Nguyễn Thành Trung 20 triệu đồng. Chiều 30-9-2012, tại một quán cà phê khác, Nguyễn Thành Trung yêu cầu Nam, Vương đưa đoạn trầm kỳ mà Nam đang giữ để mình đem bán. Sau đó, Nguyễn Thành Trung bán đoạn trầm kỳ với giá 350 triệu đồng tại TP Cam Ranh. Số tiền này được Nam, Vương đưa cho Hà. Hà đưa cho nhóm bảo kê 20 triệu đồng, còn lại Hà giữ. Cáo trạng xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 4,1 tỉ đồng. |