Vụ án giành trâu đi lạc

Người dân hai xã miền núi Lạng Khê (huyện Con Cuông) và Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) đều có tục “nâm” trâu (thả trâu ăn cỏ tự do trong rừng sâu). Khoảng tháng 10-2012, bà Vi Thị Hạnh (ở bản Tam Liên, xã Tam Quang) bị mất một con trâu cái có chửa gần sinh nghé con.

Hai người mất, một người được

Đến tháng 11-2012, tổ an ninh bản Đồng Tiến (xã Lạng Khê) bắt được một con trâu cái cùng một con nghé đi lạc rồi ra thông báo “ai mất trâu đến chuộc”. Bà Hạnh nghe vậy đến nơi trình bày mình có mất con trâu màu đen đang mang bầu gần sinh. Ban an ninh bản không cho bà vào nhìn trâu mà yêu cầu phải miêu tả nhận dạng đúng mới cho chuộc.

Bà Hạnh tả: “Trâu đã cắt trẽo mũi, có hai sừng trơn chuồi về phía sau, mình to thấp, chân to, móng tròn. Trâu có ba xoáy chính gồm xoáy tiền bên phải và hai xoáy hậu…”. Ban an ninh bản kiểm tra lại trâu thấy bà Hạnh miêu tả, nhận dạng đúng nên cho bà chuộc cả trâu và nghé mang về nhà.

Trong lúc đó, ngày 29-10-2012, anh Lộc Văn Thị (ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê) cũng mất một con trâu cái và con nghé con vừa sinh. Anh Thị đã nhờ anh em xóm giềng vào rừng đi tìm trâu cả tháng trời nhưng không được.

 
Người dân hai huyện miền núi Con Cuông và Tương Dương  (Nghệ An) thường thả rông trâu, bò trên núi nên khi trâu, bò đi lạc dễ xảy ra tranh chấp. Ảnh: ĐẮC LAM

Khi nghe tin ban an ninh bản Đồng Tiến bắt được trâu và nghé con đi lạc, anh Thị tức tốc đến để xin chuộc. Nhưng lúc này bà Hạnh đã đến nhận cả trâu và nghé đưa về rồi. Lúc đó anh Thị không tìm đến nhà bà Hạnh xem lại trâu mà quay về nhà mình rồi tiếp tục vào rừng tìm trâu.

Các “quan tòa” lúng túng

Ngày 21-2, trong lúc đi tìm trâu ở khu vực núi Tung Pá Hằm, anh Thị gặp chị Vi Thị Giáo cũng đang đi tìm trâu của chị đi lạc. Anh Thị và chị Giáo miêu tả đặc điểm con trâu của mình để khi tìm kiếm thì để ý tìm dùm cho nhau. Nghe anh Thị mô tả đặc điểm trâu, chị Giáo mách đó là con trâu mà bà Hạnh đã chuộc về.

Anh Thị đến nhà bà Hạnh xin xem trâu thì lúc này con trâu mẹ đó đã sinh thêm một con nghé nữa. Anh Thị quả quyết: “Đó là trâu và nghé của tôi, cho tôi xin chuộc về”. Bà Hạnh cũng khẳng định “trâu và nghé của tôi” và không cho chuộc.

Anh Thị quay về trách tổ an ninh bản đã cho người khác chuộc mất trâu của anh, rồi anh làm đơn trình báo lên UBND xã Lạng Khê.

Lãnh đạo UBND xã Lạng Khê xác định đây là vụ tranh chấp con trâu cái và hai con nghé con giữa anh Thị và bà Hạnh nên ngày 13-3 đã cùng UBND xã Tam Quang lập ban hòa giải.

Tại buổi hòa giải (tại UBND xã Lạng Khê, có sự tham gia của cán bộ công an huyện), hai bên đều đưa ra được các đặc điểm và bằng chứng chứng minh và khẳng định trâu đang tranh chấp là trâu của mình. Cán bộ hòa giải bối rối và không biết phân xử ra sao. Một cán bộ đe: “Nếu ai biết không phải trâu của mình mà vẫn cố nhận thì sẽ bị khởi tố tội chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, lời đe đó tỏ ra không có “ép phê”.

Cùng nhau nghiên cứu để… xử tiếp

Phía bà Hạnh lập luận việc bà trước đây mất trâu là có thật, có sự xác nhận của công an và chính quyền địa phương, bà đã chuộc trâu về nuôi từ tháng 11-2012 đến nay và trâu đã sinh thêm nghé rồi.

Bốn người ở gần nhà anh Thị cũng ra làm chứng và khẳng định anh Thị có mất một con trâu mẹ và một con nghé con, đồng thời miêu tả được đặc điểm con trâu mẹ.

Ông Vy Đình Tuyển, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, nói: “Bà Hạnh mất trâu vào tháng 10-2012, lúc trâu đang có chửa, chưa sinh con. Đến nay, con trâu cái đang tranh chấp đã sinh tới hai con nghé con, trâu của bà Hạnh không thể sinh dày (sinh liên tiếp) như vậy được”. Phía bà Hạnh cho rằng thời gian mang thai của trâu khoảng 10 tháng rưỡi thôi nên chuyện từ đó tới nay trâu đẻ hai lần cũng là dễ hiểu.

Buổi hòa giải kéo dài đến trưa, hai bên tỏ ra căng thẳng, ai cũng khăng khăng nhận đó là trâu của mình.

Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND xã Lạng Khê báo cáo lên Thường trực Đảng ủy, HĐND xã, Ủy ban MTTQ xã Lạng Khê… để các thành viên hội đồng xã “nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ việc để có hướng, giải pháp cụ thể thấu tình, đạt lý nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người dân”.

Sáng 14-3, ban hòa giải xã Lạng Khê cùng công an và tư pháp xã Lạng Khê, xã Tam Quang đến nhà bà Hạnh “xin” lại ba mẹ con trâu, nghé mang về giao tổ an ninh bản Đồng Tiến nuôi và bảo vệ để chờ… phân xử tiếp.

ĐẮC LAM

 

Chắc phải nhờ tòa phân xử

Năm 2013, chúng tôi từng “phân xử” ổn thỏa vụ hai gia đình ở xã Lạng Khê tranh nhau con bò đi lạc. Do đặc điểm người dân miền núi hay “nâm” trâu, bò trong rừng nhưng nhiều nhà không làm dấu nên khi trâu, bò đi lạc xảy ra tranh chấp, rất khó phân xử. Vụ giành trâu giữa anh Thị và bà Hạnh cũng vậy, khó là hai người ở hai xã khác nhau, thời gian trâu đi lạc đã quá lâu, nếu không hòa giải được có lẽ phải nhờ tòa án phân xử.

Một vụ giành trâu khác xảy ra đầu năm 2013 nhưng có tính chất hình sự. Ông Lô Văn Ứng (cũng ở xã Lạng Khê) bắt được trâu đi lạc của ông Hoàn. Ông Ứng cho rằng đó là trâu của mình nên mang trâu về nuôi, sau đó mang đi bán được 35 triệu đồng. Ông Lô Văn Hoàn (cùng trú xã Lạng Khê) khiếu nại, công an vào cuộc, khởi tố ông Ứng về tội trộm cắp tài sản. TAND huyện Con Cuông đã tuyên phạt ông Ứng 15 tháng tù và buộc ông Ứng phải bồi thường cho ông Hoàn 35 triệu đồng.

Ông NGÂN ĐÌNH PHÒNG, Trưởng Công an xã Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm