Vụ án Huyền Như: Chỉ có thể hủy toàn bộ bản án

Có người cho rằng đề nghị trên của VKS là không chuẩn, vi phạm tố tụng vì Huyền Như không kháng cáo, VKS không kháng nghị phần này.

Chúng tôi cho rằng  ý kiến của VKS là đúng với bản chất của hành vi do bị cáo Huyền Như thực hiện. Về tố tụng, không có quy định nào của pháp luật cấm kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm đưa ra những kết luận đúng đắn về hành vi phạm tội của bị cáo.

Tuy nhiên, nếu VKS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại sơ thẩm kết án Huyền Như về tội tham ô tài sản thì lại không đúng quy định của BLTTHS, vì VKS cấp sơ thẩm không truy tố Huyền Như về tội tham ô tài sản, nên dù có muốn, tòa án cấp sơ thẩm cũng không thể kết án Huyền Như về tội phạm này. Người bị hại và nguyên đơn dân sự thì không có quyền kháng cáo về tội danh, VKS cùng cấp và VKS cấp trên trực tiếp (VKS Tối cao) cũng không thể kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thêm tội tham ô tài sản đối với Huyền Như vì Huyền Như chưa bị truy tố về tội tham ô tài sản. VKS cũng không thể đề nghị tòa án cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm (phần Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của năm đơn vị) để điều tra, xét xử lại vì phần tội danh và hình phạt của Huyền Như không có kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm; nếu HĐXX xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của VKS, chỉ hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại đối với Huyền Như về tội tham ô tài sản là không đúng thẩm quyền. Bởi lẽ, tuy theo quy định tại Điều 241 BLTTHS thì tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án nhưng chỉ được theo hướng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo nếu phần đó không có kháng cáo hoặc kháng nghị (khoản 2 Điều 249 BLTTHS).

Việc VKS đề nghị là một chuyện, còn tòa án cấp phúc thẩm có chấp nhận hay không lại là chuyện khác. Thực tiễn xét xử nhiều trường hợp tòa án cấp phúc thẩm “hủy bản án để điều tra lại” nhưng thực chất là để truy tố lại, vì cấp sơ thẩm còn để lọt tội phạm hoặc lọt người phạm tội nhưng lấy lý do là “việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”. Đây cũng là cách “lách luật” mà tòa án cấp phúc thẩm từ trước đến nay hay làm mà không bị coi là trái pháp luật.

Về nội dung vụ án này, khoản tiền Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của năm đơn vị và kể cả khoản tiền gần 719 tỉ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có dấu hiệu của tội tham ô tài sản. Không thể cho rằng ACB có lỗi trong việc chuyển tiền vào VietinBank thì hành vi của Huyền Như không phải là hành vi tham ô tài sản. Những người “có lỗi” trong việc chuyển tiền vào VietinBank đã bị xử lý nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi chiếm đoạt gần 719 tỉ đồng không phải là hành vi tham ô tài sản. Không thể lập luận: “Chính ACB đã thực hiện hành vi trái pháp luật nên sẽ không được pháp luật bảo vệ”! Nếu không được pháp luật bảo vệ sao lại buộc Huyền Như phải bồi thường?

Toàn bộ số tiền Huyền Như chiếm đoạt của năm đơn vị và ACB thực chất không cần phải điều tra lại mà chỉ xác định lại tội danh cho đúng. Nhưng BLTTHS không có quy định cho tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để “truy tố lại” nên “đành” phải hủy để điều tra lại. Muốn truy tố lại Huyền Như về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội tham ô tài sản, tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể hủy toàn bộ bản án chứ không thể hủy một phần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới