Luật và đời

Vụ bán con ở Trà Vinh: Mong 1 phán quyết đạt lý nhưng cũng thấu tình

(PLO)- Xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng bị cáo Nhung tìm người hiếm muộn để cho con và mong đứa con mới  50 ngày tuổi của mình có cuộc sống tốt hơn. Giá mà câu chuyện chỉ có vậy...

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, hành vi mua bán người đã bị lên án gay gắt vì được xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hàng loạt công ước về bãi bỏ, ngăn chặn và chống buôn bán nô lệ đã được ra đời; nhất là thời điểm sau khi Liên hợp quốc được thành lập vào năm 1945 thì vấn đề bảo vệ quyền con người càng được coi trọng hơn.

Bởi việc xem con người như một loại hàng hóa sẽ tước đoạt quyền tự do, phẩm hạnh, sức khỏe và tính mạng nên hành vi mua bán người được phân loại trong những tội phạm cực kỳ nguy hiểm, trái pháp luật và vô đạo đức. Vì vậy, khung hình phạt cho loại tội phạm này luôn ở mức rất cao; đặc biệt là buôn bán trẻ em, người dưới 16 tuổi.

Các con của bị cáo Nhung còn quá nhỏ. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định khung hình phạt thấp nhất với tội mua bán người là 5-10 năm tù; còn tội mua bán người dưới 16 tuổi có khung hình phạt thấp nhất là 7-12 năm tù. Loại tội phạm này cần bị xử lý nghiêm bởi con người sau khi trở thành thứ hàng hóa sẽ đối diện với muôn vàn mối hiểm nguy không thể lường trước được. Trẻ em, người phụ thuộc bị lạm dụng, bị đem ra phục vụ cho mục đích thu lợi bất chính của những nhóm người chuyên mua bán, chăn dắt. Thời gian qua, có nhiều vụ án thương tâm, nhiều phận người bị đảo lộn.

Tuy nhiên, như tính hai mặt của một vấn đề, trong cuộc sống hằng ngày, vẫn có những hoàn cảnh, những thân phận mà người bị xử lý hình sự về tội mua bán người cần được xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn. Mới nhất là vụ án cha mẹ bán con ở Trà Vinh mà theo dự kiến thì hôm nay (23-9), sau thời gian nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ tuyên án phúc thẩm. Trước đó, cấp sơ thẩm đã tuyên phạt người mẹ (Thạch Thị Kim Nhung) 10 năm tù, người cha 13 năm tù.

Trong vụ án này, tình tiết người mẹ “cho lại 2 triệu đồng về lo sữa, tã cho em bé” thật sự làm chúng ta phải suy nghĩ. Bởi cho đến phút cuối nhìn thấy con, người mẹ vẫn còn đó nỗi lo hết sức giản đơn về chuyện sữa, tã của con chứ không phải là giao dịch “mua đứt, bán đoạn”.

Trong vụ án này, xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi con mà vợ chồng Nhung tìm người hiếm muộn để giao con và mong rằng đứa con mới được 50 ngày tuổi của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Giá mà câu chuyện chỉ có vậy và đứa bé được trao cho gia đình hiếm muộn có gia cảnh tốt đẹp hơn thì ý nguyện của vợ chồng Nhung đã hoàn thành trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, gia cảnh khó khăn, hằng ngày vẫn còn nuôi ba đứa con nhỏ khác, lại thiếu hiểu biết nên họ cho con mà không thông qua thủ tục, giấy tờ như pháp luật quy định; sau khi giao con thì nhận “bồi dưỡng” 18 triệu đồng; để rồi chính hành vi nhận tiền này đã đưa họ vào vòng lao lý với tội danh mua bán người dưới 16 tuổi. Trong đó, tình tiết “cho lại 2 triệu đồng về lo sữa, tã cho em bé” thật sự làm chúng ta phải suy nghĩ, bởi cho đến phút cuối nhìn thấy con, người mẹ vẫn còn đó nỗi lo hết sức giản đơn về chuyện sữa, tã của con chứ không phải là giao dịch “mua đứt, bán đoạn”.

Với tình tiết trên, chúng ta có thể thấy người phụ nữ thiếu hiểu biết này phải tính toán trong sự khốn cùng, buông xuôi vì quá nghèo, “bán là để lo chứ không phải bán là để lời”. Cô chấp nhận hy sinh một đứa để còn lo cho những đứa khác nên đến phút cuối cũng còn lo con thiếu sữa, tã là vậy.

Tội mua bán người, nhất là tội mua bán người dưới 16 tuổi phải bị xử lý nghiêm là điều không bàn cãi trong xã hội hiện đại ngày nay. Mức án 10 năm tù có thể xem là phù hợp trong khung hình phạt theo đúng nghĩa pháp lý.

Hình phạt là để răn đe và nghiêm trị nhưng hình phạt cũng là cách mà pháp luật cho cơ hội để sửa sai và không làm khó khăn hơn hoàn cảnh của những thân phận khác còn bỏ ngỏ. Rồi đây, ba đứa trẻ còn lại sẽ ra sao khi cả cha lẫn mẹ đều vướng vào vòng lao lý; khi trước đó, vốn dĩ cuộc sống hằng ngày của chúng đã cực kỳ khó khăn.

Trong cuộc sống, không thiếu những trường hợp vô tình rơi vào hoàn cảnh phạm tội tày đình. Dù mức án bao nhiêu thì “bản án bán con” đã là một vết sẹo mang theo suốt cả cuộc đời người làm cha mẹ…

Mong rằng phán quyết của tòa phúc thẩm sẽ xem xét đến những yếu tố như bị cáo là người dân tộc thiểu số, ít hiểu biết, đánh giá thấu đáo lời trình bày của Nhung rằng giao con cho người khác nuôi vừa mong con có cuộc sống tốt hơn vừa có tiền nuôi ba đứa con còn lại; đánh giá lại lời khai của Nguyễn Hữu Dương (người môi giới) có giá trị pháp lý hay không khi mà anh ta được xác định là mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đang được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh… nhằm giúp Nhung được sớm trở về lo cho con của mình.

Cũng mong rằng các cấp chính quyền địa phương chung tay quan tâm cho số phận của ba đứa trẻ còn lại; có chính sách hỗ trợ phù hợp để xã hội văn minh và hiện đại ngày nay không còn những trường hợp như của bị cáo Thạch Thị Kim Nhung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới