Nhầm lẫn y khoa (NLYK) rất tai hại, mức độ nhẹ thì ảnh hưởng sức khỏe, nặng có thể trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân. Đó là chưa kể NLYK còn gây mất đi niềm tin và đẩy sự nghi kỵ, xung đột giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế lên cao.
Vì vậy, NLYK là nỗi sợ và ám ảnh của những người trong ngành y tế.
1. Trong vụ NLYK xảy ra ở BV Sản-Nhi Quảng Ngãi, làm ảnh hưởng tới bệnh nhân, người điều dưỡng/nữ hộ sinh phải chịu trách nhiệm đã rõ nhưng cần xem xét lại quy trình tổ chức và cấp phát thuốc.
Cần kiểm tra xem các loại thuốc này có để gần nhau không; tên thuốc, hồ sơ ghi có gần giống nhau không. Phải xem xét tất cả yếu tố để biết có bao nhiêu lỗ hổng trong tình huống này để điều chỉnh. Nếu chỉ quy kết hết cho người điều dưỡng thì sẽ khó rút thêm được kinh nghiệm.
Bệnh viện khác sai thì bệnh viện mình cũng có nguy cơ sai nên các cơ sở y tế cần chú ý và nhắc nhở nhân viên của mình chứ không chỉ xem đó là vụ việc, tai nạn cá biệt.
Có một thực tế là nhiều loại thuốc có tác dụng khác nhau nhưng có cách đặt tên thuốc hoặc lọ thuốc, màu sắc na ná nhau, không cẩn thận cầm lên sẽ dễ nhìn nhầm. Vì thế, cần có cách bố trí, sắp xếp khoa học sao cho chúng không nằm gần nhau vì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Việc này phải thường xuyên kiểm tra và phụ thuộc vào vai trò của điều dưỡng trưởng, bác sĩ trưởng khoa, hội đồng thuốc, ban lãnh đạo. Ngoài ra, khi phát hiện các loại thuốc dễ gây nhầm lẫn đó phải báo cáo và chia sẻ cho nhiều người khác thì mới tránh được.
Sự nhầm lẫn của nữ hộ sinh đã khiến vợ chồng anh Trần Đình Trung mất đi đứa con thứ hai mà cả hai từng mong mỏi. Ảnh: HUY TRƯỜNG
2.Trên thực tế, NLYK không biết lúc nào sẽ xảy ra, không đoán trước được. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế cẩn trọng và làm tốt hết mức có thể thì đương nhiên NLYK sẽ khó xảy ra hơn. Cho nên trong y khoa, vấn đề phòng ngừa NLYK hết sức quan trọng.
Trong công tác tổ chức, cần phải huấn luyện điều dưỡng bằng cách nhắc nhở thường xuyên, cải thiện quy trình, công cụ để tránh nhầm lẫn. Còn người điều dưỡng thì phải tuân thủ quy trình khi dùng thuốc đối với người bệnh, đó là “ba tra, năm đối”. Ba kiểm tra gồm: 1. Họ tên bệnh nhân; 2. Tên thuốc; 3. Liều lượng thuốc. Năm đối chiếu gồm: 1. Số giường; 2. Nhãn thuốc; 3. Chất lượng thuốc; 4. Ðường dùng thuốc và 5. Thời gian dùng.
Có những thuốc đặc biệt phải có hai người làm chứ không chỉ một người thì cần tuân thủ nghiêm ngặt, sao cho công tác thật hoàn hảo. Ngoài ra, công việc phát thuốc thường xuyên có thể làm cho nhân viên mất đi tính cẩn thận, cứ nghĩ đó là thói quen thuần thục rồi sẽ rất nguy hiểm. Cẩn thận không bao giờ là thừa.
Một số điều dưỡng làm lâu năm, có kinh nghiệm khi cầm hồ sơ sẽ nhận biết cách so sánh thuốc với chẩn đoán, nếu có nghi ngờ sẽ góp phần phát hiện sai sót và thảo luận kịp thời với bác sĩ. Do đó, điều dưỡng nên luôn trau dồi học hỏi thêm chuyên môn.
3. Hiện nay, các cơ sở y tế thường xảy ra quá tải, cho nên các cơ sở y tế phải huấn luyện lại và nhắc nhở thường xuyên điều dưỡng dè chừng giai đoạn quá tải, một phút lơ là, mệt mỏi có thể gây ra NLYK liền. Người làm y khoa chăm sóc bệnh nhân phải có tính cẩn thận, đặc biệt khi sử dụng các loại thuốc ảnh hưởng tim mạch, hô hấp, thuốc có tai biến, tác dụng nặng cần phải cẩn thận hơn.
Khoa nhiễm của chúng tôi cũng thực hiện như hướng dẫn chung. Ngoài ra, chúng tôi luôn thường xuyên báo cáo cho khoa và bệnh viện các loại thuốc có nguy cơ nhầm lẫn do màu sắc, tên, hình dạng để đề nghị điều chỉnh trong các cuộc họp giao ban.
BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh,
BV Nhi đồng 1, TP.HCM