Vụ “chị làm KSV, em làm ĐTV”: VKS rút truy tố 2/6 vụ trộm

Sáng 29-5, TAND huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã mở lại phiên xử vụ Huỳnh Sơn Long (tính đến thời điểm bị bắt mới 16 tuổi) cùng chín đồng phạm (17-24 tuổi) về tội trộm cắp tài sản. Đây là lần thứ sáu vụ án này được đưa ra xét xử. Vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận bởi có nhiều tình tiết được cho là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, trong đó có việc kiểm sát viên (KSV), điều tra viên (ĐTV) ban đầu là hai chị em ruột. Ngoài ra còn có chuyện các lời khai chỏi nhau, các bị cáo tố bị ép cung, dùng nhục hình…

Vẫn tố bị ép cung, dùng nhục hình

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, VKS cho rằng các bị cáo tham gia sáu vụ trộm sáu chiếc xe máy. Trong đó, Long tham gia nhiều nhất (ba vụ). Từ việc bắt Long và lấy lời khai, cơ quan điều tra (CQĐT) đã lần lượt bắt các bị cáo còn lại.

Cũng như ở phiên tòa trước, tại phiên tòa này, Long vẫn một mực khẳng định mình vô tội. Long khai khi đang đi ngoài đường thì bị Công an thị trấn Ngãi Giao giữ lại, mời về làm việc vì không đội mũ bảo hiểm. Sau đó hai cán bộ công an thị trấn và công an huyện đánh để buộc Long nhận có lấy trộm xe. Vì bị đánh quá đau nên Long nhận đại, khai bậy thêm những người khác.

Các bị cáo khác cũng đều tố có việc bị đánh, ép nhận tội vì bị đánh đau nên nhận đại. Trong một số vụ bị quy kết trộm cắp, các bị cáo Phan Văn Hoàng, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Văn Toàn, Trần Quang Nhân đều có chứng cứ ngoại phạm, có người làm chứng rằng họ không thể có mặt ở thời điểm xảy ra vụ án. Chẳng hạn như Nhân bị truy tố hai vụ nhưng thời điểm gây án, Nhân đang ở TP.HCM. Tiến và Toàn bị truy tố một vụ nhưng vào thời điểm gây án thì đang làm ở công ty. Một vụ trộm khác xảy ra khi Toàn đang tham gia chuẩn bị sinh nhật của Sang...

Tòa hỏi có chứng cứ về việc bị dùng nhục hình không, các bị cáo đều trả lời là không nhưng việc bị đánh là đúng. Tòa lại hỏi vì sao ra tòa khai vậy, trong khi một số biên bản có luật sư tham gia, các bị cáo lại ký nhận tội. Các bị cáo khai vì sợ nên vẫn ký.

10 bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: K.LY

Nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ

Tại phiên tòa, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản nhưng rút truy tố hai vụ trộm xảy ra lúc 19 giờ tối 9-5-2013 và lúc 12 giờ trưa 1-10-2013 tại thị trấn Ngãi Giao. Trước đó, ở vụ trộm xảy ra trưa 1-10-2013, Nhân và Toàn từng kêu oan nhiều lần vì không thể có mặt vào thời điểm gây án nhưng không được chấp nhận.

Luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã đề nghị tòa tuyên các bị cáo không phạm tội. Theo luật sư, ngoài hai vụ VKS rút truy tố, bốn vụ còn lại lời khai của các bị cáo không thể sử dụng làm chứng cứ buộc tội vì không đảm bảo khách quan. Theo luật sư, việc các bị cáo khai bị ép cung, dùng nhục hình ở phiên tòa trước đã được tòa ghi nhận, tạm hoãn để xem xét. Tuy nhiên, tại phiên xử này, tòa đã không có văn bản hay câu trả lời cho các bị cáo và gia đình họ biết là có việc đó hay không.

Về phương tiện gây án, luật sư chỉ ra điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ. Theo VKS, phương tiện gây án trong một số vụ trộm là chiếc xe máy của bị cáo Trần Ngọc Sang. Nhưng có vụ trong khoảng thời gian gây án thì chiếc xe này lại đang bị giữ tại Công an thị trấn Ngãi Giao vì vi phạm giao thông.

Một chi tiết gây chú ý là trong sáu vụ trộm mà VKS truy tố có vụ trộm tại tiệm Internet nhà bà Võ Thị Minh Nguyệt lúc 10 giờ sáng 30-9-2013. Bà Nguyệt là KSV, còn em trai bà - ông Võ Thanh Bình lại chính là ĐTV trong vụ án (hiện bà Nguyệt đã được thay bằng KSV khác, tòa chỉ nói vì lý do công tác). Theo luật sư, việc đại diện VKS cho rằng bà Nguyệt không liên quan gì đến vụ án là suy diễn chủ quan. Việc KSV và ĐTV là hai chị em ruột cùng tiến hành tố tụng một vụ án mà trong đó có vụ trộm tại tiệm Internet nhà mình là hoàn toàn không khách quan.

Ở vụ trộm này, tiệm Internet của bà Nguyệt có camera ghi lại hình ảnh người trộm xe, thời gian khoảng 17 giờ; lời khai ban đầu của người bị hại cũng trùng khớp, có thấy người trộm xe. Nhưng sau đó người bị hại khai lại là mất lúc 10 giờ sáng và không nhìn thấy ai lấy xe. Những điểm này đều chưa được xác minh lại.

Về mặt tố tụng, lúc lấy lời khai các bị cáo chưa thành niên, CQĐT đã không mời luật sư, người đại diện là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

VKS và tòa: Vẫn có tội

Tranh luận, đại diện VKS trả lời rằng qua xem xét hồ sơ không thấy có sự vi phạm tố tụng. Việc hai chị em bà Nguyệt, ông Bình cùng tham gia điều tra vụ án là vẫn khách quan. Bà Nguyệt không liên quan tới vụ án mất xe tại tiệm Internet nhà mình (xe bị mất là của khách). Căn cứ Điều 42 BLTTHS thì việc bà là KSV trong vụ án không vi phạm tố tụng. Chi tiết chiếc xe của Sang các bị cáo không nhớ rõ nên VKS không xem xét. VKS vẫn đề nghị tòa phạt các bị cáo 17-22 tháng tù.

Theo tòa, việc các bị cáo cho rằng bị ép cung là không có căn cứ. Quá trình điều tra đã có đủ cơ sở để khẳng định các bị cáo phạm tội. Các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội là nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật, gây khó khăn cho việc xét xử vụ án. Từ đó, tòa phạt các bị cáo từ 15 tháng tù đến 17 tháng 12 ngày tù (đều bằng thời gian tạm giam).

Dù các bị cáo được trả tự do ngay tại tòa nhưng gia đình các bị cáo cho biết sẽ kháng cáo vì tin con em mình vô tội.

Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Trước đây, sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh chuyện “chị là KSV, em là ĐTV” trong cùng vụ án này, trong các vụ trộm bị truy tố có vụ xảy ra tại tiệm Internet nhà KSV Nguyệt, rất nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định đã có sự vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, nếu tài sản bị mất tại tiệm Internet là máy móc, tiền bạc... của KSV Nguyệt hoặc người nhà thì KSV Nguyệt là người bị hại. Nếu tài sản bị mất là xe máy, tiền bạc, vật dụng... của khách đến sử dụng Internet thì KSV Nguyệt là người có liên quan (với tư cách là chủ tiệm). Cả hai trường hợp trên đều khẳng định KSV Nguyệt có liên quan trực tiếp đến vụ án. Khi KSV Nguyệt là người có liên quan đến vụ án thì ĐTV Bình chính là người thân thích của bà Nguyệt cũng bị cấm tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm