Ngày 11-5, Hội đồng kỷ luật Sở GD&ĐT TP.HCM đã thống nhất mức kỷ luật khiển trách đối với ông Bùi Minh Bình vì không làm tròn trách nhiệm của một người quản lý dẫn đến sự việc đáng tiếc xảy ra.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Bình là hiệu trưởng Trường Long Thới (huyện Nhà Bè) nhưng đã thiếu giải pháp giám sát, nắm bắt tình hình dạy và học; quản lý không chặt chẽ nên đã để xảy ra sự việc cô giáo Trần Thị Minh Châu lên lớp không giảng bài trong suốt một thời gian dài mà không biết để kịp thời xử lý khiến nhiều học sinh bị ảnh hưởng.
Ông Bùi Minh Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới, đã bị kỷ luật khiển trách vì để sự việc cô giáo lên lớp không giảng bài xảy ra trong suốt một thời gian dài. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Hiện phòng Tổ chức-Cán bộ của Sở cũng đang đề xuất mức kỷ luật đối với cô Đặng Thị Thanh Bình – Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Long Thới vì có trách nhiệm liên quan.
Trước đó, Trường THPT Long Thới cũng đã họp hội đồng kỷ luật, ra quyết định kỷ luật ở mức độ cảnh cáo đối với cô giáo không giảng bài Trần Thị Minh Châu và chuyển cô Châu sang làm công tác văn phòng. Giáo viên chủ nhiệm lớp 11A1 nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì biết sự việc xảy ra nhưng một mình giải quyết không báo với ban giám hiệu nhà trường.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa, trong chương trình gặp gỡ với lãnh đạo ngành giáo dục diễn ra vào ngày 23-3, em Phạm Song Toàn, học sinh Trường THPT Long Thới, đã bật khóc khi chia sẻ về cô giáo dạy toán Trần Thị Minh Châu. Khi lên lớp cô chỉ chép bài, không nói một lời nào. Tình trạng này kéo dài suốt một học kỳ khiến học sinh phải tự học. Quá bức xúc, các em đã cầu cứu tới giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng không có kết quả.
Trước khi về dạy tại Trường THPT Long Thới, cô Châu từng dạy tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM. Tại đây, học sinh và phụ huynh của trường cũng đã từng phản ánh việc cô dùng những lời lẽ phản cảm trong tiết học.
Ngay sau khi biết về sự việc trên, UBND TP.HCM đã họp khẩn để chỉ đạo về vấn đề này. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết việc cô giáo im lặng là một hình thức bạo hành về tinh thần. Vì thế, bà Thu đề nghị phải xử lý nghiêm cô giáo và những người có trách nhiệm liên quan. Bà cũng đề nghị phải nhanh chóng giải quyết việc chuyển trường cho em Phạm Song Toàn theo nguyện vọng của gia đình.
Ngay sau đó, một trường THPT tư thục ở huyện Bình Chánh, TP.HCM đã nhận em Toàn vào học, đồng thời trao học bổng trị giá hơn 300 triệu đồng cho em bao gồm học phí và phí bán trú, phí xe đưa rước.