Vụ công an phường nhận tiền, thả người: VKS đề nghị mức án cao nhất 7-8 năm tù

(PLO)- Bị cáo Phạm Thanh Tuấn nhận trách nhiệm với vai trò là trưởng công an phường đã không theo dõi, giám sát nhưng phủ nhận việc chỉ đạo cấp dưới nhận tiền, thả người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-8, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do Phạm Thanh Tuấn (cựu trưởng Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM), Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý (hai cựu phó trưởng công an phường) cùng 10 đồng phạm đều là cảnh sát khu vực công tác tại phường Phú Thọ Hòa thực hiện.

Cựu trưởng công an phường nói do thiếu giám sát

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 4-2020, Ban chỉ huy Công an phường Phú Thọ Hòa theo sự chỉ đạo của bị cáo Tuấn đã thành lập hai tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức tuần tra trên địa bàn phường, nếu phát hiện các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy thì bắt giữ và đưa về công an phường xử lý.

Các bị cáo là cựu cán bộ công an phường tại phiên tòa ngày 28-8. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Các bị cáo là cựu cán bộ công an phường tại phiên tòa ngày 28-8. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cựu cán bộ công an không thu giữ niêm phong vật chứng, không thực hiện lập hồ sơ để xử lý theo quy định mà cho các đối tượng gọi điện thoại về cho gia đình mang tiền lên để chung chi rồi cho về.

Tại tòa, bị cáo Phạm Thanh Tuấn chỉ nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu, bị cáo đã thiếu kiểm tra, giám sát hoạt động của các ca trực để cho các cán bộ, chiến sĩ thực hiện các sai phạm. Lý do để xảy ra sự việc, bị cáo Tuấn khai do trong thời gian này mình thường xuyên đi học không có mặt tại phường để giám sát, theo dõi.

Tuy nhiên, bị cáo Tuấn không thừa nhận việc các bị cáo là cấp dưới cho rằng mình là người chỉ đạo thành lập hai tổ này. Đồng thời phủ nhận việc chỉ đạo nhận tiền để thả người.

Còn cựu phó trưởng công an phường Phan Văn Hòa thì khai nhận biết việc thành lập hai tổ này, mặc dù đã có ý kiến phản đối với trưởng công an phường trong cuộc họp giao ban, đề nghị chấn chỉnh lại việc xử lý các đối tượng liên quan đến ma túy nhưng không được giải quyết. Bị cáo này cũng cho biết mình đã không kiên quyết khi để sai phạm tồn lại mà không báo cáo cấp trên xử lý vì cả nể trưởng công an phường.

Đối với các bị cáo là cựu cảnh sát khu vực còn lại, đa số đều khai nhận hành vi không lập hồ sơ xử lý, cho người về là thực hiện chỉ đạo từ ban chỉ huy công an phường.

Một số bị cáo thì cho rằng mình chỉ thực hiện ghi lời khai một số đối tượng rồi bàn giao cho người khác, sau đó cũng không biết kết quả xử lý như thế nào. Đồng thời phủ nhận việc cho các đối tượng gọi điện thoại về nhà để nhận tiền.

Theo VKS, là người chỉ huy cao nhất của công an phường, bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm về 17 lượt trực chỉ huy trong thời gian để xảy ra sai phạm, trong đó có 10 đối tượng được thả về không xử lý.

VKS đề nghị mức án

Bước sang phần luận tội, đại diện VKSND TP.HCM cho biết 13 bị cáo trong vụ án này đều là những chiến sĩ công an được tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi cá nhân, các bị cáo sau khi đưa các đối tượng liên quan đến hành vi mua bán, sử dụng ma túy về trụ sở công an phường để lấy lời khai, lập lý lịch đã yêu cầu người nhà của những người này mang tiền, vàng và USD đến để chung chi rồi cho về.

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của ngành công an nhân dân và niềm tin của người dân.

Cũng theo đại diện VKS, tại phiên tòa bị cáo Tuấn đã có thái độ thành khẩn hơn. Ngoài trách nhiệm quản lý, bị cáo này cũng đã thừa nhận trách nhiệm cá nhân liên quan đến 10 đối tượng vi phạm trong các ca trực mà bị cáo này trực chỉ huy.

Tuy nhiên, với vai trò là người chỉ huy cao nhất của công an phường thì bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm trước trưởng công an quận, UBND phường và đặc biệt là 17 lượt trực chỉ huy trong thời gian để xảy ra sai phạm (trong đó có 10 đối tượng được thả về không xử lý). Do đó cáo trạng truy tố là có căn cứ.

Cũng theo vị đại diện VKS, hai cựu phó trưởng công an phường đã thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng. Phan Văn Hòa thấy trưởng công an phường làm trái quy định của ngành nhưng đã cả nể, thiếu kiên quyết trong việc báo cáo cấp trên để xử lý và bỏ mặc sai phạm. Còn Lê Văn Quý gần đến tuổi nghỉ hưu nên cả nể, ngại va chạm, không phản ánh sự việc lên cấp trên.

Từ đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Phạm Thanh Tuấn 7-8 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng. Hai cựu phó trưởng công an phường là Lê Văn Quý và Phan Văn Hòa cùng bị đề nghị 5-6 năm tù, phạt bổ sung 100 triệu đồng.

Các bị cáo là cựu cảnh sát khu vực bị đề nghị mức án từ ba năm sáu tháng đến sáu năm tù.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh luận.•

Không đủ căn cứ xử lý việc đưa - nhận hối lộ

Trong vụ này, TAND TP.HCM đã từng trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nội dung yêu cầu xác định dấu hiệu các bị can phạm tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; tha trái pháp luật người phạm tội. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao kết luận chưa đủ cơ sở xác định 13 cựu cán bộ về các tội danh trên.

Về các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, Cơ quan điều tra cũng nhận định không đủ căn cứ để xử lý vì việc giao nhận tiền chỉ có lời khai của đối tượng bị bắt vì liên quan đến ma túy. Ngoài ra, không có tài liệu, chứng cứ vật chất khác để chứng minh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm