Vụ công ty không có nổi 2,5 triệu đồng: Trả nợ nhỏ giọt sẽ né được việc phá sản?

(PLO)- Theo Chánh án TAND huyện Thới Bình (Cà Mau), chỉ cần có trả nợ, dù nhỏ giọt vẫn không thể xem là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nên không thể mở thủ tục phá sản. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-9, PV PLO đã có cuộc trao đổi trực tiếp với bà Tiêu Hồng Phượng, Chánh án TAND huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau để làm rõ nguyên nhân đình chỉ mở thủ tục phá sản Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản MEKONG Việt Nam (gọi tắt Công ty MEKONG).

Trước đó, ngày 8-6, tòa này ban hành quyết định mở thủ tục phá sản Công ty MEKONG theo yêu cầu của các chủ nợ.

Tuy nhiên, đến 15-8, toà lại ra quyết định đình chỉ mở thủ tục phá sản do công ty đã trả một phần tiền cho các chủ nợ và Chi cục THA huyện Thới Bình đang tiếp tục thi hành các bản án nên không có cơ sở mở thủ tục phá sản.

Công ty MEKONG Việt Nam tại Cà Mau đã được đình chỉ tiến hành mở thủ tục phá sản vì có trả nợ nhỏ giọt. Ảnh: TRẦN VŨ

Công ty MEKONG Việt Nam tại Cà Mau đã được đình chỉ tiến hành mở thủ tục phá sản vì có trả nợ nhỏ giọt. Ảnh: TRẦN VŨ

Trao đổi sáng 12-9, bà Phượng thông tin sau khi ra quyết định mở thủ tục phá sản Công ty MEKONG, thẩm phán thụ lý đã tiến hành các bước theo trình tự pháp luật quy định.

Qua đó xác định được Công ty MEKONG vẫn còn tài sản trả nợ và đã có thực nộp tiền cho Chi cục THA nhiều lần kể từ khi có quyết định buộc thi hành các bản án.

Cụ thể, với khoản nợ 101 triệu đồng của Công ty Biển Bạc TP.HCM, Công ty MEKONG đã nộp vào ngày 9-12-2021 5 triệu đồng, ngày 13-6-2023 nộp tiếp 2 triệu đồng, ngày 13-7-2023 nộp tiếp 3 triệu đồng, ngày 9-8-2023 nộp thêm 1 triệu đồng. Tức tổng số tiền đã nộp hơn 11 triệu đồng, tương đương 10% số nợ phải trả cho Công ty Biển Bạc.

"Công ty còn tài sản để trả nợ và đã nộp tiền nhiều lần để trả nợ theo các bản án có đơn đề nghị thi hành án tại Chi cục THA huyện Thới Bình nên không thể xem là đã mất khả năng thanh toán. Từ đó, tòa mới đình chỉ tiến hành mở thủ tục phá sản" - bà Phượng nói.

Bà Phượng cũng xác định với phóng viên, quan điểm của TAND huyện Thới Bình, chỉ cần có trả nợ, dù nhỏ giọt như trên thì vẫn không thể xem là mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản theo luật phá sản.

Trước câu hỏi "trường hợp nào mới được xem là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản", bà Phượng cho biết: "Khi Công ty không còn tài sản trả nợ, khi không còn hoạt động nữa. Thẩm phán đã xác minh công ty còn tài sản trả nợ và vẫn đang hoạt động bình thường nên mới ra quyết định đình chỉ".

Còn về quy định trong Luật Phá sản 2014 và công văn giải đáp của TAND Tối cao (Công văn 199/TANDTC-PC ngày 18-12-2020), bà Phượng từ chối bình luận về vấn đề này tại cuộc trao đổi.

Trước quyết định đình chỉ tiến hành mở thủ tục phá sản công ty MEKONG, hai chủ nợ là Công ty biển Bạc TP.HCM và ông Huỳnh Chí Thông ở phường 6, TP. Cà Mau đã có đơn yêu cầu xem xét lại. Tuy nhiên, bà Tiêu Hồng Phượng đã có quyết định không chấp nhận xem xét lại vào ngày 31-8-2023.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật phá sản 2014: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn ba tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”.

Công văn 199/TANDTC-PC ngày 18-12-2020 về giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản: “mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ; mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã "mất khả năng thanh toán".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm