Vụ đổi 100 USD: Việc khám xét tiệm vàng có đúng thẩm quyền?

Về thẩm quyền khám xét: Theo khoản 6 Điều 119 Luật Xử lý VPHC 2012 thì trường hợp cần ngăn chặn kịp thời VPHC hoặc để bảo đảm việc xử lý VPHC, người có thẩm quyền có thể áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC”.

Theo khoản 2 Điều 129 Luật Xử lý VPHC 2012 thì những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 luật này (chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an phường, trưởng công an cấp huyện, trưởng một số phòng nghiệp vụ của công an cấp tỉnh...) có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC nếu có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC. Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC là chỗ ở thì người có thẩm quyền đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định.

Đối chiếu với trường hợp tiệm vàng Thảo Lực, nếu xét thấy có căn cứ cho rằng tiệm vàng có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC thì trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ có quyền ra quyết định khám xét. Do nơi khám xét vừa là trụ sở doanh nghiệp, vừa là nơi ở nên người có thẩm quyền đã đề nghị chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định khám xét.

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: HD

quyết định khám xét vụ tiệm vàng Thảo Lực ghi: Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện VPHC: Nhà ở số 40A2 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Lý do khám: Để tiến hành phát hiện, thu giữ tang vật, phương tiện VPHC. Phạm vi khám là toàn bộ căn nhà.

việc trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ đề nghị chủ tịch quận Ninh Kiều ra quyết định rồi tiến hành khám xét toàn bộ căn nhà là đúng quy định.

Tuy nhiên, lẽ ra lệnh khám xét của chủ tịch UBND quận Ninh Kiều phải ghi rõ khám xét “chỗ ở và trụ sở của doanh nghiệp”, quyết định chỉ ghi khám xét “chỗ ở” là có thiếu sót.

Việc khám xét phải được lập biên bản. Biên bản khám xét phải ghi nhận đầy đủ căn cứ khám xét, ngày giờ khám xét, thành phần khám xét, người chứng kiến, nội dung khám xét, nơi khám xét. Đối chiếu với vụ tiệm vàng này, biên bản khám xét ghi đầy đủ nội dung.

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC phải có quyết định, từ đó mới lập biên bản tạm giữ và biên bản này phải ghi rõ những thứ bị tạm giữ. Theo diễn biến trong vụ này, người có thẩm quyền đã ra quyết định tạm giữ, từ đó lập biên bản nhiều hộp kim loại màu trắng, kim loại màu vàng, hột đá, một tờ 100 USD, sổ sách, chứng từ liên quan hoạt động kinh doanh của công ty...

Việc quyết định khám xét có trước thời điểm bắt quả tang là sáu ngày cũng không trái luật (quyết định ngày 24-1, việc bắt quả tang và khám xét ngày 30-1). Bởi lẽ đó là nghiệp vụ của cơ quan chức năng để bảo đảm nguyên tắc “mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời... Mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định”...

Trong cuộc họp báo trước đó, Công an TP Cần Thơ cũng đã trả lời việc khám xét là đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền. Dĩ nhiên, nếu chủ tiệm vàng khởi kiện các quyết định này thì cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền phải có nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định mà mình ban hành.

Luật sư NGUYỄN VĂN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm