Sau gần hai ngày xét xử, trưa 27-10, chủ tọa phiên tòa Trương Viêt Toàn tuyên án với các bị cáo nguyên là quan chức Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - RPMU.
Mức án nghiêm
Các bị cáo đều bị tuyên phạt về tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, Phạm Hải Bằng bị phạt 12 năm tù; truy nộp 3,6 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Nam Thái 11 năm tù, truy nộp 2,8 tỉ đồng. Bị cáo Phạm Quang Duy, nguyên phó giám đốc RPMU tám năm sáu tháng tù, truy nộp hơn 2,3 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Văn Lục, nguyên giám đốc RPMU, bị phạt năm năm sáu tháng tù, bị buộc nộp 100 triệu đồng là số tiền hưởng lợi bất chính (bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra).
Trần Quốc Đông, nguyên giám đốc RPMU, bảy năm sáu tháng, nộp lại 30 triệu đồng hưởng lợi bất chính (bị cáo đã nộp cơ quan điều tra).
Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu, nguyên giám đốc RPMU, bảy năm sáu tháng tù và bị buộc nộp lại 50 triệu đồng mà bị cáo đã hưởng lợi bất chính.
Tòa cũng phạt bổ sung mỗi bị cáo 30 triệu đồng để sung công và cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ tại cơ quan nhà nước trong ba năm.
Tòa nhận định: Từ tháng 6-2006, Phạm Hải Bằng được bổ nhiệm làm phó giám đốc RPMU. Đối với dự án tuyến số 1, Bằng được giao làm chủ nhiệm dự án. Từ tháng 9-2009 đến 2-2014, Phạm Hải Bằng thừa nhận đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Phạm Quang Duy nhiều lần nhận tiền từ JTC, tổng số tiền khoảng 11 tỉ đồng. Bằng quản lý, sử dụng 4,8 tỉ đồng không mở sổ sách theo dõi nhưng Bằng có báo cáo với Lục, Đông, Hiếu.
Hành vi của các bị cáo Phạm Hải Bằng, Phạm Quang Duy, Nguyễn Nam Thái đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong việc vay và sử dụng vốn ODA. Hiện phía Nhật Bản đã xử lý phía nhà thầu JTC nên làm ngưng trệ việc triển khai dự án.
Các bị cáo Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc RPMU qua các thời kỳ) biết việc nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản của Bằng, Thái, Duy là sai nhưng đã để mặc sự việc diễn ra trong một thời gian dài…
Có dấu hiệu hối lộ
Theo tòa, hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội nhận hối lộ nhưng việc tương trợ tư pháp của Việt Nam và Nhật Bản có khó khăn nên VKS truy tố các bị cáo tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 BLHS là có căn cứ.
Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, bởi cả sáu bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm trong Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam. Các bị cáo vì vụ lợi, lợi ích nhóm, đã có hành vi sách nhiễu trong quá trình thực hiện hợp đồng để yêu cầu phía nhà thầu Nhật Bản, cụ thể là JTC nhiều lần phải đưa tiền.
Dù tiến độ của hợp đồng thực hiện chậm, sản phẩm báo cáo thực hiện không đúng theo yêu cầu, mới đạt 47% hợp đồng, sản phẩm chưa hoàn thành tới 45% hợp đồng nhưng các bị cáo vẫn giải ngân cho phía nhà thầu Nhật Bản. Chi lương cho nhà thầu không có các báo cáo và tài liệu theo quy định mà chỉ có bảng chấm công, bảng thanh toán lương cho tư vấn. Tất cả hành vi đó được thực hiện song song với quá trình phía nhà thầu đã chi tiền “lại quả” cho Ban Quản lý dự án đường sắt…