Sau khi TAND huyện Thạnh Hóa (Long An) xử sơ thẩm phạt Nguyễn Mai Trung Tuấn (15 tuổi) bốn năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích, đã có những ý kiến cho rằng mức án này quá nghiêm khắc... Ngày 26-11, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Lê Quang Hùng (Phó Chánh án TAND tỉnh Long An) khẳng định: “Tòa sơ thẩm xử như vậy là đúng quy định của pháp luật”.
Cha mẹ, con đều bị tù
Theo cáo trạng của VKSND huyện Thạnh Hóa, sáng 14-4, đoàn cưỡng chế huyện Thạnh Hóa đến nhà cha mẹ Tuấn vận động chấp hành quyết định cưỡng chế của UBND huyện này về giải tỏa đất làm dự án bờ kè thị trấn Thạnh Hóa. Tuy nhiên, cha mẹ Tuấn không chấp hành mà vận động nhiều người trong gia đình cố thủ, dùng chai xăng, bình gas, dao, kéo, gậy, búa, acid chống trả đoàn cưỡng chế.
Thời điểm đó, Tuấn (đang là học sinh lớp 9/5 Trường THCS thị trấn Thạnh Hóa) đã dùng ca đựng acid tạt vào lưng Trung tá Nguyễn Văn Thủy (Trưởng Công an xã Thạnh An) làm nạn nhân bị thương tật 35%. Sau đó Tuấn bỏ trốn nên bị Công an huyện Thạnh Hóa ra quyết định truy nã. Đến ngày 6-8-2015, Tuấn bị bắt khi đang đi chăn vịt tại tỉnh Bình Thuận.
Tháng 9-2015, TAND huyện Thạnh Hóa đã xử sơ thẩm, phạt 12 bị cáo (trong đó có cha mẹ Tuấn) tổng cộng 33 năm tù về tội chống người thi hành công vụ (Điều 257 BLHS). Riêng Tuấn bị khởi tố, truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (khung hình phạt từ năm năm tù đến 15 năm tù). Sáng 24-11, TAND huyện Thạnh Hóa đã đưa Tuấn ra xử sơ thẩm. Do Tuấn chưa thành niên, cha mẹ của Tuấn đang vướng vòng lao lý nên cậu ruột của Tuấn là người giám hộ cho Tuấn. Kết thúc phiên xử, tòa đã phạt Tuấn bốn năm sáu tháng tù, buộc cha mẹ Tuấn phải liên đới bồi thường cho người bị hại hơn 40 triệu đồng.
Bị cáo Tuấn tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: H.NAM
“Tội phạm rất nghiêm trọng, dùng hung khí nguy hiểm”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An Lê Quang Hùng cho biết: Theo khoản 2 Điều 12 BLHS, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo khoản 3 Điều 8 BLHS, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ở đây, dù thời điểm gây án Tuấn chỉ mới 15 tuổi nhưng tội phạm do Tuấn gây ra là rất nghiêm trọng, lỗi của Tuấn là cố ý nên Tuấn vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, hành vi cố ý tạt acid của Tuấn làm nạn nhân bị thương tật 35%. Do Tuấn có tình tiết tăng nặng định khung là “dùng hung khí nguy hiểm” (acid) nên phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 104 BLHS. Đây là tội phạm rất nghiêm trọng do mức cao nhất của khung hình phạt đến 15 năm tù.
Trả lời câu hỏi về việc có người cho rằng mức án bốn năm sáu tháng tù đối với Tuấn là quá nặng, Thẩm phán Hùng lý giải: Theo khoản 2 Điều 74 BLHS, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Ở đây, khung hình phạt theo khoản 3 Điều 104 BLHS là từ năm năm tù đến 15 năm tù nên tòa sơ thẩm phạt Tuấn bốn năm sáu tháng tù là không sai.
Về ý kiến cho rằng hành vi của Tuấn là bột phát nhất thời, do nhận thức pháp luật hạn chế, bị xúi giục, kích động, Thẩm phán Hùng khẳng định: “Quá trình điều tra đã làm rõ đủ căn cứ thì tòa mới xét xử bị cáo về tội danh trên. Nếu có người xúi giục, kích động bị cáo thì cơ quan tố tụng đã xem xét xử lý rồi”. Ông Hùng cũng cho biết thêm là tòa sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như Tuấn đang ở độ tuổi đi học, được nhà trường đánh giá có học lực, hạnh kiểm tốt, tại phiên tòa người bị hại cũng xin giảm án cho Tuấn. Tuy nhiên, xét thấy bản thân Tuấn phạm tội rất nghiêm trọng nên cần thiết phải cách ly khỏi xã hội một thời gian.
Về các ý kiến cho rằng việc giám định thương tích của người bị hại có thể không khách quan, Thẩm phán Hùng cho biết: “Luật đã quy định rõ nên nếu cho rằng việc giám định không khách quan thì phía bị cáo có quyền khiếu nại nhưng phải có chứng cứ chứng minh”.
Nên cho Tuấn hưởng án treo Tại phiên tòa sơ thẩm, Trung tá Nguyễn Văn Thủy (người bị hại) đề nghị: “Do bị cáo tuổi còn nhỏ, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho em”. Thầy Phạm Hoàng Tuấn (giáo viên chủ nhiệm của Tuấn) chia sẻ: “Ở lớp, Tuấn là học sinh khá giỏi nhiều năm liền, hạnh kiểm tốt và rất nghe lời thầy cô giáo. Mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để em sớm làm lại cuộc đời”. Khi nói lời sau cùng tại tòa, Tuấn bảo: “Em mong được đi học trở lại”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận định về mặt pháp lý, hành vi cố ý gây thương tích của Tuấn đã rõ, việc tòa sơ thẩm áp dụng khoản 3 Điều 104 BLHS để kết án Tuấn là có căn cứ, đúng pháp luật (trong trường hợp kết quả giám định thương tật 35% là chuẩn xác). Tuy nhiên, Tuấn chỉ là một cậu bé trẻ người non dạ, thiếu hiểu biết pháp luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, được nhà trường đánh giá có học lực, hạnh kiểm tốt, được người bị hại xin giảm án... Do vậy nếu vụ án có kháng cáo, kháng nghị, tòa phúc thẩm nên áp dụng chính sách khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội để giảm án xuống không quá ba năm tù và cho Tuấn hưởng án treo nhằm giúp em có cơ hội được tiếp tục đi học, làm lại cuộc đời. Việc cho Tuấn hưởng án treo theo Điều 60 BLHS và Nghị quyết số 01 ngày 6-11-2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng Điều 60 BLHS) là có cơ sở... ________________________________ - Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm. (Theo khoản 1 Điều 60 BLHS) - Chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Bị xử phạt tù không quá ba năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của BLHS; b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật, ... c) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; ... (Trích khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013) |