Ngày 9-4, bác sĩ gốc Việt David Dao, 69 tuổi, vì từ chối nhường chỗ ngồi nên đã bị các nhân viên an ninh của sân bay O’Hare ở TP Chicago dùng vũ lực kéo lê ra khỏi máy bay trong chuyến bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines. Trong một tuyên bố mới nhất được đăng trên một tờ báo địa phương của bang Kentucky, ông Dao nói rằng mình vẫn đang nằm bệnh viện điều trị với thương tích “khắp người”.
Ai sai, ai đúng?
Theo quy định của Bộ Giao thông Mỹ, các hãng hàng không hoàn toàn có quyền buộc hành khách rời khỏi máy bay ngay cả khi họ đã trả tiền vé và có chỗ ngồi. Điều này xảy ra khi các hãng bay cho phép nhận số lượng khách hàng mỗi chuyến bay vượt số lượng ghế thực có trong máy bay (overbooking) để phòng trường hợp có hành khách đặt vé trước nhưng không lên máy bay, đảm bảo số lượng khách tối thiểu trong chuyến bay. Một số liệu thống kê từ Bộ Giao thông Mỹ cho thấy trong hai tháng cuối năm 2016, có gần 10.000 hành khách bị ép buộc rời khỏi máy bay ở Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế chuyến bay ngày 9-4 của United Airlines không quá chỗ và bốn hành khách bị buộc rời máy bay là để nhường chỗ cho các thành viên của hãng hàng thông này. Theo thông báo của United Airlines, những nhân viên này cần phải có mặt ở TP Louisville, bang Kentucky ngay ngày hôm sau nên cần bay gấp.
Theo các chuyên gia hàng không, hãng United Airlines đã mắc lỗi trong chính cách họ yêu cầu ông David Dao rời khỏi chuyến bay. Nhà phân tích hàng không Henry Harteveldt nhận định thông thường việc yêu cầu hành khách không lên chuyến bay phải diễn ra tại cửa ra vào, từ trước khi họ đi lên máy bay chứ không phải sau khi đã an vị vào chỗ ngồi. Việc các nhân viên anh ninh sân bay dùng bạo lực kéo lê hành khách ra khỏi máy bay khiến ông bị thương cũng được cho là một “hành động không thể chấp nhận được”.
Theo quy định liên bang Mỹ, các hãng hàng không có quyền yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay nếu máy bay đầy chỗ ngồi. Ảnh: GETTY
Nhiều chuyên gia cho rằng hãng hàng không United Airlines đáng lẽ có thể tránh được cuộc khủng hoảng này đơn giản bằng cách nâng số tiền đền bù nhiều hơn cho hành khách cho đến khi nào có người tình nguyện xuống máy bay, cơ bản vì đó hoàn toàn không phải là lỗi của khách hàng. Theo luật, tiền đền bù rời máy bay cho hành khách có thể lên tới 1.350 USD, thay vì 800 USD như United Airlines thông báo. Tuy nhiên, hãng hàng không tai tiếng của Mỹ đã không làm như thế.
Vậy bác sĩ gốc Việt David Dao, người bị kéo lê khỏi máy bay, có vi phạm luật hàng không không? Tờ Independent của Anh dẫn lời ông Andrew Harakas, chuyên gia hàng không tại Công ty Luật Clyde & C, cho biết theo luật liên bang, ông Dao có nghĩa vụ bắt buộc rời máy bay khi được yêu cầu. “Khi là hành khách trên chuyến bay, bạn không thể can thiệp vào công việc của phi hành đoàn khi họ đang làm nhiệm vụ hoặc khi máy bay được vận hành, đó là nguyên tắc cơ bản” - ông Harakas nói. Trong khi đó, theo ông Mark Franklin, luật sư hàng không tại Công ty DLA Piper, “một khi bạn lên máy bay, quy tắc chung là bạn phải tuân theo yêu cầu của phi công và phi hành đoàn”.
Vấn đề lớn nhất khiến các chuyên gia lo ngại cho “số phận” của United Airlines chính là việc các nhân viên an ninh sử dụng vũ lực để buộc ông David Dao rời máy bay. Hành động này đã kéo theo một cuộc khủng hoảng truyền thông tồi tệ nhất trong lịch sử của hãng. Chỉ trong hôm 11-4, sau khi video nhân viên kéo lê hành khách khỏi máy bay tràn lan trên mạng, giá cổ phiếu giảm mạnh đã khiến công ty sở hữu United Airlines mất gần 1 tỉ USD giá trị thị trường. United Airlines là hãng hàng không lớn thứ ba nước Mỹ tính trên số hành khách, mỗi ngày hãng vận hành tới hơn 4.500 chuyến bay tới 339 sân bay trên năm lục địa.
Từ địa phương đến quốc hội vào cuộc
Tờ Chicago Suntimes đưa tin Ủy ban Hàng không của Hội đồng TP Chicago sẽ tổ chức một phiên điều trần về trường hợp của United Airlines vào ngày 13-4. Theo ông Mike Zalewski, Chủ tịch Ủy ban Hàng không, vụ việc kéo lê hành khách trên máy bay đã gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của sân bay quốc tế O’hare nói riêng và của TP du lịch Chicago nói chung. Do đó, ủy ban cần “một câu trả lời” từ United Airlines và các đơn vị liên quan. Nhiều người cũng đang đặt ra nghi vấn là tại sao chỉ có một nhân viên bị đình chỉ công tác trong khi có nhiều nhân viên khác cũng tham gia vào việc kéo lê ông David Dao trên máy bay.
Trong khi đó hãng tin ABC News ngày 11-4 đưa tin Bộ GTVT Mỹ cho biết sẽ lập tức tiến hành điều tra vụ việc này. “Bộ GTVT Mỹ cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đang xem xét việc hành khách bị kéo ra khỏi chuyến bay 3411 của hãng United Airlines là có vi phạm quy định về việc bán đầy chỗ trên máy bay hay không” - người phát ngôn Bộ GTVT Mỹ tuyên bố. “Bộ có trách nhiệm đảm bảo rằng các hãng hàng không phải tuân thủ quy định về việc bảo vệ quyền lợi khách hàng trong trường hợp chuyến bay đã bị đặt chỗ nhiều hơn số ghế”.
Kể từ sau khi đoạn video kéo lê hành khách được đăng tải lên mạng xã hội, ông Oscar Munoz, Giám đốc điều hành của United Airlines, đã ba lần lên tiếng xin lỗi. Tuy nhiên, tại Quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ cho biết không hài lòng với câu trả lời này và đề nghị quốc hội phải vào cuộc để đảm bảo không có trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. “Tôi hiểu rằng Bộ GTVT đang xem xét vấn đề nhưng tôi yêu cầu một cam kết mạnh mẽ hơn” - thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal viết trong lá thư gửi tới Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao.
Phát biểu từ Nhà Trắng, thư ký báo chí Sean Spicer cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xem đoạn video hành khách bị kéo lê trên, tuy nhiên phủ nhận việc chính phủ liên bang sẽ tham gia điều tra vụ việc này. “Có rất nhiều cơ quan hành pháp sẽ xem xét vụ này. Chúng ta không nên làm gì trước khi những cuộc kiểm tra này được tiến hành” - ông Spicer nói.
Các hãng chọn khách rời máy bay như thế nào? Tại Mỹ, khi chuyến bay bị quá tải, các hãng hàng không sẽ có quyền yêu cầu hành khách rời khỏi máy bay. Yêu cầu này sẽ kèm theo các đề xuất đền bù như cấp phòng khách sạn miễn phí, tiền mặt gấp 400% tiền vé hoặc nâng cấp lên khoang hạng nhất trong chuyến bay kế tiếp. Theo luật liên bang, quy trình này sẽ được diễn ra qua hai bước: Nhân viên hãng bay sẽ hỏi xem liệu có hành khách nào tự nguyện nhường chỗ hay không thông qua email, tại điểm làm thủ tục lên máy bay hoặc tại cổng. Trường hợp không có hành khách nào tự nguyện rời chỗ, các hãng hàng không được phép sử dụng phương pháp lựa chọn ngẫu nhiên để buộc hành khách rời khỏi máy bay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự lựa chọn ngẫu nhiên này vốn không phải là… ngẫu nhiên. Các hãng hàng không sẽ lựa chọn hành khách rời khỏi máy bay dựa trên một loạt tiêu chí như thứ tự làm thủ tục, các trường hợp khẩn cấp, giá vé và khách hàng trung thành, ưu tiên người khuyết tật, trẻ em hay người trong quân đội. AN MIÊN Ông David Dao lần đầu lên tiếng Ngày 12-4, ông David Dao, hành khách gốc Việt bị nhân viên hãng hàng không United Airlines kéo khỏi máy bay, đã lên tiếng tiết lộ về tình trạng sức khỏe của ông hiện nay. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình WLKY (bang Kentucky, Mỹ), ông Dao cho biết hiện ông trong tình trạng không khỏe và vẫn còn nằm bệnh viện tại TP Chicago. Khi được hỏi rằng ông đã chịu những vết thương gì trong vụ bạo lực trên, ông Dao trả lời mình đã bị thương tích “khắp người”. Gia đình ông David Dao vào chiều 11-4 cũng đã lên tiếng cảm ơn về những sự ủng hộ mà họ nhận được sau khi vụ việc được lan truyền. BẢO ANH |