Vũ khí phương Tây không ngừng đổ về Ukraine

(PLO)- Xung đột Nga - Ukraine có thể sẽ tiếp tục nóng lên trong thời gian tới khi vũ khí mới tiếp tục đổ về, trong khi ngoại giao chưa có đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vũ khí phương Tây vẫn đang đổ về Ukraine với số lượng lớn trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã kéo dài nửa năm. Cánh cửa hòa đàm ngừng bắn cũng trở nên hẹp hơn bao giờ hết khi lãnh đạo hai bên tham chiến không có dấu hiệu muốn giải quyết xung đột bằng các biện pháp đối thoại ngoại giao.

Ukraine chuẩn bị nhận thêm vũ khí mới từ phương Tây

Hãng tin Reuters dẫn nguồn một quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đang chuẩn bị công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá khoảng 3 tỉ USD vào kỷ niệm Quốc khánh Ukraine 24-8 (giờ địa phương). Đợt viện trợ lần này của Mỹ sử dụng kinh phí từ quỹ Sáng kiến ​​hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI) và sẽ không bao gồm các loại vũ khí chưa được cung cấp trước đây cho quân đội Ukraine. Gói viện trợ được tiết lộ sẽ tập trung vào đạn dược và hệ thống phòng thủ.

Cao ủy quyền con người Liên Hợp Quốc (OHCHR) ngày 22-8 cho biết tính từ ngày 24-2 đến nay, đã có hơn 5.500 dân thường thiệt mạng và gần 7.900 người bị thương do xung đột Nga - Ukraine. Theo OHCHR, phần đông những người thiệt mạng hoặc bị thương đều là nạn nhân của các loại vũ khí sát thương như pháo binh, tên lửa và các cuộc không kích.

Đây sẽ là gói viện trợ lớn nhất của Mỹ gửi tới Ukraine tính đến thời điểm này. Thời gian qua, Washington liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga. Hôm 19-8, Mỹ cung cấp cho Ukraine thêm lô vũ khí gồm máy bay không người lái, tên lửa tốc độ cao chống bức xạ HARM, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, tổng giá trị 775 triệu USD.

Một số hãng truyền thông phương Tây như Bloomberg gần đây khẳng định Mỹ đã bí mật viện trợ cho Ukraine một số loại vũ khí thử nghiệm như hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km. Cả Mỹ và Ukraine đến nay đều phủ nhận thông tin này.

Một đồng minh khác của Mỹ là Đức trong tuần này cũng đã lên tiếng xác nhận hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, theo hãng tin AFP. Berlin dự kiến sẽ gửi cho Ukraine thêm hơn 496 triệu USD hỗ trợ quân sự, với phần lớn trong số này được chuyển giao trong năm tới. Các thiết bị quân sự được Đức cam kết viện trợ sẽ bao gồm ba hệ thống phòng không IRIS-T, nhiều xe thiết giáp quân sự, 20 bệ phóng tên lửa gắn trên xe bán tải, đạn chính xác và thiết bị chống máy bay không người lái. Đáng chú ý, động thái này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Đức thừa nhận việc hỗ trợ Ukraine đang gây sụt giảm nghiêm trọng lượng vũ khí có trong kho dự trữ, với nguy cơ ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của quân đội Đức.

Binh sĩ Ukraine di chuyển các thùng vũ khí do Mỹ viện trợ ở sân bay Boryspil tại thủ đô Kiev hồi tháng 4. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine di chuyển các thùng vũ khí do Mỹ viện trợ ở sân bay Boryspil tại thủ đô Kiev
hồi tháng 4. Ảnh: AP

Không quân Anh từ đầu tháng 8 ngày nào cũng cho máy bay tải nặng C-17 Globemaster chở vũ khí từ các căn cứ ở Pakistan, Romania… sang cho Ukraine, theo trang Uk Defence Journal, có thể vận chuyển tới 77.000 kg hàng hóa trên chiếc C-17 Globemaster.

Cho đến đầu tháng 8, Anh đã gửi cho Ukraine 6.900 hệ thống tên lửa NLAW, Javelin, Brimstone và các loại vũ khí chống tăng khác, 16.000 viên đạn pháo, sáu ​​xe Stormer được trang bị bệ phóng tên lửa phòng không Starstreak và hàng trăm tên lửa.

Anh cũng đã cung cấp tên lửa hàng hải Brimstone, nhiều hệ thống tên lửa phóng, 120 xe chiến đấu bọc thép và một lượng lớn viện trợ phi sát thương bao gồm hơn 82.000 mũ bảo hiểm, 8.450 bộ áo giáp và hơn 5.000 thiết bị nhìn đêm. Ngoài ra, Anh khởi động một chiến dịch huấn luyện lớn cho các lực lượng Ukraine, với khả năng huấn luyện lên đến 10.000 binh sĩ.

Triển vọng hòa đàm ảm đạm

Cả Nga và Ukraine hiện đều không có tín hiệu ủng hộ khôi phục hòa đàm.

Việc vũ khí phương Tây không ngừng đổ về Ukraine càng khiến xung đột Nga - Ukraine thêm phức tạp và khó lường, trong bối cảnh Nga và Ukraine hiện vẫn quyết không nhượng bộ trên chiến trường, càng làm viễn cảnh hòa đàm, thỏa hiệp để có hòa bình càng khó khăn hơn.

Ngày 23-8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kể lại những khó khăn ông gặp phải khi cố gắng làm trung gian kết nối lãnh đạo Nga và Ukraine. Ông thừa nhận rằng “tôi nhận thấy rất khó để đưa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin cùng ngồi vào bàn đàm phán”, theo tờ South China Morning Post. Ông Widodo nói rằng ông đã dành cả 4 tiếng đồng hồ với hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine nhưng không thể thay đổi được quan điểm của họ.

Ngoài Indonesia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng nhiều lần đề xuất làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 29-3. Tại vòng đàm phán này, Kiev đã đề xuất một thỏa thuận về các cam kết an ninh dành cho Ukraine, đổi lại Kiev sẽ chấp nhận trung lập. Nga tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moscow đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng Donbass - nơi có hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk. Trong khi đó, giới chức Ukraine nhiều lần khẳng định không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ.

Nga tuần trước và Ukraine ngày 23-8 đã bác khả năng nối lại hòa đàm. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, kể từ giữa tháng 4, Ukraine đã không đưa ra phản hồi đối với phiên bản dự thảo thỏa thuận của Moscow với Kiev.

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky tuần này tiếp tục khẳng định việc khôi phục đàm phán chỉ có thể thực hiện nếu quân Nga rút khỏi “các vùng lãnh thổ chiếm đóng” của Ukraine. Bên cạnh đó, phiên tòa sắp tới của Nga xét xử các binh sĩ Ukraine bị bắt tại vùng Donetsk cũng sẽ là yếu tố chính xác định có thể nối lại đàm phán giữa Nga và Ukraine hay không. Nếu binh sĩ Ukraine bị xét xử, việc hòa đàm có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn.•

Nga - Ukraine đang cùng trong thế kẹt

Trả lời phỏng vấn đài CNN, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) Marie Dumoulin nhận định Nga và Ukraine đang lâm vào một cuộc chiến kéo dài với các cuộc không kích mỗi ngày và các trận giao tranh không có hồi kết rõ ràng. Cộng với sự hỗ trợ và theo dõi từ các nước khác, Moscow và Kiev đang ở thế lún quá sâu và không thể ngừng được dù có muốn đi nữa.

“Theo thời gian, phương Tây bàn giao cho Ukraine các hệ thống hiện đại hơn, giúp Ukraine trụ vững nhưng lại kéo dài xung đột. Vũ khí giao cho Ukraine càng dồn dập, họ càng khó từ bỏ” - bà Dumoulin nói.

Với Moscow, thất bại là điều “không thể chấp nhận”, nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh cuộc xung đột hiện tại là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm chống lại điều ông mô tả là chiến lược mở rộng của NATO. Trong bài phát biểu hôm 22-8, ông Putin tuyên bố với cương vị là một đất nước hùng mạnh và độc lập, Nga sẽ chỉ theo đuổi những chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm