Phiên tòa sơ thẩm vụ án chuyến bay giải cứu khép lại chưa lâu thì dư luận lại căm phẫn trước những thông tin “không thể tưởng tượng” trong vụ kit test Việt Á được báo chí thông tin từ kết luận điều tra của Bộ Công an. Qua đó, những góc khuất trong chủ nghĩa thân hữu giữa quan chức và doanh nghiệp đã được phơi bày một cách trần trụi.
Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã có chủ trương giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhận thấy tiềm năng rất lớn từ chủ trương này, Phan Quốc Việt (tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với một số cán bộ, công chức thoái hóa nhằm đưa Công ty Việt Á vào danh sách tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo test xét nghiệm.
Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long (trái) và cựu bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh. |
Tiếp đến, Công ty Việt Á lại tiếp tục kết nối với ông Nguyễn Thanh Long (khi đó là bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (khi đó là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long) để những quan chức này can thiệp, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức test xét nghiệm COVID-19.
Tuy nhiên, hành vi này không thể được thực hiện trót lọt nếu thiếu sự hà hơi tiếp sức của cựu bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. Với tư cách là tư lệnh ngành, ông Chu Ngọc Anh cùng Bộ KH&CN đã tổ chức họp báo, ra thông cáo về kết quả nghiên cứu cấp phép test cho Công ty Việt Á, ký quyết định khen thưởng, ký tờ trình đề nghị khen thưởng, tặng các danh hiệu khác cho Công ty Việt Á nhằm “nâng bi” sản phẩm này.
Trong bối cảnh ảm đạm, chưa tìm ra lối thoát thì kit test Việt Á xuất hiện với một lớp vỏ bọc lung linh. Sự lung linh ấy ngay lập tức như một câu thần chú hô biến tiền của người này thành tiền của người khác, công trình khoa học thuộc sở hữu nhà nước bị biến thành mánh lới trục lợi của tư nhân.
Với truyền thông rực rỡ, một bộ kit test với giá thành sản xuất tối đa 143.461 đồng bị đội lên phi mã 470.000 đồng. Liên tiếp trong các năm 2020, 2021, với chiêu trò trục lợi vô nhân tính trên, Công ty Việt Á thu lợi bất chính 1.235 tỉ đồng.
Để “trả ơn” cho sự biệt đãi, Phan Quốc Việt đã gửi tiền bồi dưỡng cho các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Phạm Công Tạc, Trịnh Thanh Hùng... Tất cả tiền bồi dưỡng được tính toán cụ thể theo cổ phần và chia theo công thức “giúp nhiều gửi nhiều, giúp ít gửi ít”.
Những bị can trong vụ kit test Việt Á. |
Trong vụ án này, những hành vi phạm tội được thực hiện rất tinh vi. Để các trao đổi ám muội không bị phát hiện, các bị cáo liên hệ với nhau bằng các ứng dụng mạng xã hội có tính bảo mật cao như WhatsApp, Telegram, Viber. Điều này không chỉ phản ánh việc nhận thức rất rõ mà còn thể hiện quyết tâm phải thực hiện bằng được hành vi vụ lợi của mình. Như vậy, trong từng công đoạn, từng hành vi của các bị cáo đều thể hiện rất rõ yếu tố lỗi cố ý.
Khi đất nước đang oằn mình chống dịch, mạng sống con người như chỉ mành treo chuông thì hành vi trục lợi khó nhận được sự thứ tha ngay cả khi các bị cáo ăn năn hối cải trước tòa. Lý do cũng dễ hiểu, bởi ngoài yếu tố lỗi cố ý thì hành vi còn được khắc sâu bởi tình tiết tăng nặng “lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để phạm tội” quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 BLHS.
Trái với vẻ “thơ ngây” đến mức khó hiểu của nhiều quan chức trước tòa trong vụ chuyến bay giải cứu, đa phần những cựu cán bộ trong vụ Việt Á khai báo rõ ràng, rành mạch theo phương châm “dám làm, dám chịu”. Cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khai nhận rõ ràng về tiền nhận hối lộ (2,25 triệu USD, tương đương 50 tỉ đồng). Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thừa nhận sai phạm về hành vi “hô biến” quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu đề tài thuộc sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân của Công ty Việt Á.
Xét ở góc độ nào đấy, sự thẳng thắn này thể hiện thái độ “thành khẩn” - một yếu tố rõ nét của tình tiết giảm nhẹ. Tất nhiên, cấu thành của tội phạm cùng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo sẽ được tòa án xem xét cẩn trọng, khách quan, toàn diện để từ đó có thể tuyên những bản án thấu tình, đạt lý.
Với vụ án Việt Á, nỗi đau và sự trăn trở không của riêng ai. Hành vi ngụy tạo, nâng khống giá để trục lợi trong cơn bĩ cực không chỉ làm tha hóa cán bộ từ cấp bộ trưởng đến cán bộ ở nhiều địa phương, mà còn gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, sức khỏe của nhân dân. Do đó, những hành vi này cần bị nghiêm trị.
Xử lý nghiêm các vi phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy rất khó khăn nhưng lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn khẳng định không có vùng cấm, ngoại lệ. Việc một số ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng sai phạm, bị khai trừ Đảng, bị truy tố hình sự trong thời gian qua đã khẳng định rõ ràng những cam kết trên.
Vi phạm trong vụ Việt Á được tiến hành rất kín đáo nhưng cũng không thoát khỏi ánh sáng công lý. Thế mới biết “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó lọt”!