Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo về nguyên nhân khiến 72 học sinh trường tiểu học Kim Giang ngộ độc sau chuyến tham quan. Theo đó các học sinh này bị ngộ độc do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà trong suất ăn trưa.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục điều tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn Trường Tiểu học Kim Giang. Trong đó, cần rà soát vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà từ khâu vận chuyển hay trong quá trình chế biến. Từ đó, chấn chỉnh không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm như trên.
Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao?
TS Phan Thế Đồng, Phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, cho biết Staphylococcus là một chủng vi khuẩn có thể gây ra rất nhiều bệnh nhiễm trùng trong cơ thể. Đây là chủng vi khuẩn thường gặp trên da người và trong điều kiện bình thường chúng không gây bệnh. Có hơn 30 chủng tụ cầu khuẩn có thể gây bệnh, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Nếu vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể, thông qua các vết thương trên da hay qua đường hô hấp, chúng có thể gây ra các nhiễm trùng rất nghiêm trọng.
Cũng theo TS Phan Thế Đồng, vi khuẩn tụ cầu này có sẵn trên da người mà có nhiều trong mụn nhọt trên da người hoặc trong lỗ mũi, lỗ tai.
"Do đó trong quá trình chế biến, nếu người thực hiện chế biến không đảm bảo đúng quy trình vệ sinh mà tay không chế biến, hoặc không rửa tay trước khi làm, hoặc vô tình nhỏ mồ hôi xuống thực phẩm... cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm bị nhiễm tụ cầu. Khi thức ăn được tiếp xúc với tụ cầu khuẩn, vi khuẩn nhân lên và tạo ra độc tố. Đó chính là những độc tố có thể làm cho người ăn bị bệnh, gây ra các triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, đau dạ dày" - TS Đồng lý giải.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, độc tố do tụ cầu sinh ra rất khó phân hủy cho dù chúng ta có nấu chín. Phải mất hơn 1 tiếng ở nhiệt độ 100 độ C mới phân hủy được độc tố này. Đáng nói, độc tố này lại không làm thay đổi mùi vị của thức ăn.
Quá trình sơ chế, nấu nướng không đảm bảo an toàn thực phẩm... cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm bị nhiễm tụ cầu. Ảnh: Cartoon |
Tuy nhiên, độc tố này không gây chết người, chỉ khiến cho người ăn bị ngộ độc như nhức đầu, nôn ói, sốt... Những triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng sáu giờ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sốt. Nhưng cần lưu ý: Khi bị ngộ độc thực phẩm, sốt không hẳn liên quan đến tụ cầu. Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất như trứng, thịt gia súc, gia cầm, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mì ống, các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa.
Phòng chống tụ cầu vàng: Khó hay dễ?
Hiện chưa có vaccine đặc hiệu để phòng các bệnh do tụ cầu vàng gây ra. Tuy nhiên, TS Phan Thế Đồng cho biết để phòng tránh lây lan vi khuẩn này thì cần đảm bảo vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn trong quá trình chế biến thực phẩm.
Cụ thể, cần rửa tay và đeo găng tay chuyên dụng hoặc đồ bảo hộ trước, trong và sau khi chế biến thực phẩm. Không dùng chung các vật dụng cá nhân có khả năng tiếp xúc với vết nhiễm trùng như khăn mặt, dao cạo râu, ga trải giường hay quần áo, cần giặt sạch sẽ chăn chiếu và quần áo trong nước nóng và sấy khô để giúp tiêu diệt tụ cầu.
Cần tuân theo những quy tắc sơ chế và chế biến thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra như đảm bảo vệ sinh cá nhân.
"Nếu bạn có vết thương, nhiễm trùng da hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác. Làm sạch và tiệt trùng nhà bếp và khu vực ăn uống; khi nấu, đảm bảo nhiệt độ cao trên 60 độ C và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C; những thực phẩm cần giữ lạnh cần được đưa vào tủ lạnh càng sớm càng tốt"- TS Phan Thế Đồng lưu ý.