Những đối tượng nào dễ bị ngộ độc thực phẩm?

(PLO)- Phụ nữ có thai, trẻ em, người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, tình trạng độc thực phẩm ngày càng phổ biến. Ngộ độc thực phẩm có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như: do vi khuẩn và độc tố vi khuẩn có trong thức ăn, do nhiễm hoá chất trừ sâu, diệt muỗi, côn trùng, diệt nấm, cỏ tồn đọng trong thức ăn, rau quả, nguy hiểm nhất là hoá chất diệt chuột gây co giật. Ngoài ra có một số trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra do thức ăn có độc như: nấm độc, cá nóc, măng tươi, vỏ sắn...

Bác sĩ BV Chợ Rẫy kiểm tra tình hình một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: BVCC

Bác sĩ BV Chợ Rẫy kiểm tra tình hình một bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: BVCC

Ai dễ bị ngộ độc thực phẩm?

Theo chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng có một số người rất dễ bị ngộ độc. Cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chia ra bốn nhóm người nhạy cảm, dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Cụ thể, phụ nữ có thai: trong thời gian mang thai, hệ miễn nhiễm của đối tượng này có nhiều thay đổi, nên dễ bị rủi ro ngộ độc thực phẩm. Do đó, ngộ độc thực phẩm trong thời gian có thai là nghiêm trọng, dễ ảnh hưởng đến thai nhi.

Trẻ em: trẻ em dưới 4-5 tuổi dễ bị ngộ độc thực phẩm do hệ miễn nhiễm chưa phát triển hoàn chỉnh.

Người cao tuổi: hệ miễn nhiễm và những bộ phận khác ở người già không còn nhạy bén để nhận diện, trừ khử các vi khuẩn có hại và mầm bệnh khác nên dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nhiều người lớn tuổi mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, thấp khớp, ung thư, tim mạch...nên phải uống thuốc. Diễn biến của bệnh và tác dụng phụ của vài loại thuốc làm suy yếu hệ miễn nhiễm. Ngoài ra, axit dạ dày cũng bị suy giảm theo tuổi tác. Trong khi axit dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm đi lượng vi khuẩn ở đường ruột và giảm rủi ro mắc bệnh.

Người có hệ miễn dịch yếu: hệ miễn dịch là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại sự xâm nhập của tác nhân bên ngoài. Ở những người khỏe mạnh, hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả chống lại vi khuẩn có hại hoặc tác nhân gây bệnh. Trái lại, ở những bệnh nhân cấy ghép gan, bệnh ung thư, tiểu đường...hệ miễn dịch của họ bị suy yếu do diễn biến của bệnh hoặc tác dụng phụ do điều trị. Một trong những cách gây nhiễm khuẩn đó là do ngộ độc thực phẩm.

Người dễ ngộ độc thực phẩm nên tránh thực phẩm nào?

FDA khuyến cáo những người dễ bị ngộ độc thực phẩm nên tránh những loại thực phẩm dưới đây:

Các loại thịt cá sống, hoặc nấu chưa kỹ, hải sản nấu chưa kỹ, hải sản xông khói làm lạnh thì không nên ăn. Ngoài ra, chúng ta cũng nên tránh các loại nghêu sò ốc sống hoặc tái.

Sữa chưa thanh trùng hoặc các sản phẩm làm từ loại sữa này cũng nên hạn chế. Những loại trứng sống, tái hoặc các thực phẩm làm từ trứng để sống hoặc tái cũng không nên sử dụng.

Các loại pate, thịt nghiền chưa qua thanh trùng hoặc xúc xích lên men nhóm người dễ bị ngộ độc cũng không nên sử dụng.

Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Bên cạnh đó, không nên sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung. Không dùng chung cốc uống nước. Đối với những loại rau, củ, quả khi ăn sống phải đảm bảo được rửa nước sạch, nên gọt vỏ trước khi ăn.

TP.HCM tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm

Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đối với nhóm trẻ gia đình và bếp ăn tập thể.

Theo đó, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đối với nhóm trẻ gia đình, ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong các nhóm trẻ gia đình.

Đồng thời kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm tại các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.

Đối với bếp ăn tập thể, ban quản lý an toàn thực phẩm đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là ngành y tế, giáo dục trong việc chấp hành các quy định vực về an toàn thực phẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm