Sau một ngày rưỡi xét xử và hơn một giờ nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội đã công bố bản án dành cho sáu cựu quan chức đường sắt về hành vi nhận 11 tỉ đồng ngoài hợp đồng từ nhà thầu JTC Nhật.
Theo đó, Phạm Hải Bằng (nguyên phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt - RPMU) lãnh mức án cao nhất là 12 năm tù. Các bị cáo khác nhận mức án 5-6 tháng tù đến 11 năm tù.
Đáng chú ý, bản án nhận định: Các bị cáo đã có hành vi nhận tiền của JTC. Tuy nhiên, việc tương trợ tư pháp của Việt Nam-Nhật có khó khăn trong chuyển giao các tài liệu, chứng cứ (từ phía Nhật sang Việt Nam) để qua đó làm rõ hành vi của các bị cáo có dấu hiệu của tội nhận hối lộ hay không. Do vậy, hành vi của các bị cáo bị VKSND truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3 Điều 281 BLHS là có căn cứ.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN
Vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm
Theo bản án, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng bởi cả sáu bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm trong RPMU nhưng đã có hành vi sách nhiễu trong quá trình thực hiện hợp đồng để yêu cầu phía nhà thầu Nhật nhiều lần phải đưa tiền. Cạnh đó các bị cáo không thực hiện nghiêm túc hợp đồng đã ký kết. Dù tiến độ thực hiện hợp đồng chậm, sản phẩm báo cáo thực hiện không đúng theo yêu cầu, mới đạt 47% hợp đồng, sản phẩm chưa hoàn thành tới 45% hợp đồng nhưng các bị cáo vẫn giải ngân cho phía nhà thầu Nhật.
Việc chi lương cho nhà thầu không có các báo cáo và tài liệu theo quy định mà chỉ có bảng chấm công, bảng thanh toán lương cho tư vấn. Tất cả hành vi đó được thực hiện song song với quá trình phía nhà thầu đã chi tiền “lại quả” cho RPMU…
Các bị cáo cũng không làm đúng theo quy định tại Văn bản số 4730 của Bộ KH&ĐT về quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu liên quan đến ODA Nhật, không thực hiện đúng Điều 16 Pháp lệnh cán bộ, công chức cũng như vi phạm quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng…
Nghiêm trọng hơn, theo quy định của Luật Kế toán, thống kê, tất cả khoản thu, chi của cơ quan, tổ chức đều phải mở sổ sách kế toán, ghi chép theo dõi các khoản thu-chi tại mọi thời điểm. Các bị cáo đã để số tiền 11 tỉ đồng này ngoài sổ sách kế toán để chi tiêu cá nhân hoặc chi tiêu tập thể một cách không minh bạch. Đây là hành vi thể hiện mục đích vụ lợi cá nhân và lợi ích nhóm…
Theo tòa, sai phạm của các bị cáo gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như làm chậm tiến độ thực hiện dự án tuyến đường sắt số 1, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Việt Nam-Nhật và quan hệ của Việt Nam với các quốc gia khác trong thời kỳ hội nhập. Thực tế sau khi vụ án bị phát hiện, công luận lên tiếng, chính phủ Nhật đã tạm dừng tiếp nhận các dự án ODA có liên quan đến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và do các cơ quan khác của Việt Nam thực hiện. Đối với gói hợp đồng ODA của dự án đường sắt đang triển khai thì tạm dừng toàn bộ, chưa biết đến bao giờ mới tiếp tục được giải ngân…
Trong phiên xử, bào chữa cho các bị cáo, một số luật sư cho rằng số tiền 11 tỉ đồng nếu được xác định là thiệt hại thì đó là thiệt hại của JTC. Tuy nhiên, công ty này lại không phải là nguyên đơn dân sự của vụ án, không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do vụ án không có nguyên đơn dân sự nên hành vi của các bị cáo không cấu thành tội phạm.
Bác quan điểm này, tòa cho rằng các nhà thầu đưa tiền cho RPMU là trái pháp luật nên không thể coi họ là nguyên đơn dân sự được. Mặt khác, hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến lợi ích của Nhà nước nên cũng không thể coi Nhà nước là nguyên đơn dân sự được.
Trước đó, trong phần đối đáp với các luật sư, đại diện VKSND cho hay quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định JTC không phải là nguyên đơn dân sự. Việc điều tra, xét xử vụ án căn cứ vào kết quả cuộc họp diễn ra giữa tháng 6-2014 về công tác hợp tác phòng ngừa tham nhũng trong vốn ODA Nhật. Tại đây, Bộ Ngoại giao Nhật đã đề nghị Việt Nam điều tra vụ án và các cán bộ có liên quan, việc khởi tố vụ án bắt đầu từ việc chính phủ Nhật phát hiện xử lý JTC...
Về quan điểm của một số luật sư cho rằng các bị cáo không là đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Luật Cán bộ, công chức, VKSND khẳng định: RPMU là đơn vị có con dấu riêng, có tư cách pháp nhân đầy đủ, tự chủ về biên chế và kinh phí thực hiện theo đơn vị sự nghiệp công lập. Đối chiếu các quy định, các bị cáo thuộc sự điều chỉnh của luật này. “Các bị cáo là đại diện chủ đầu tư, là những người có chức danh, có trách nhiệm trong việc thay mặt Nhà nước giải ngân vốn dự án nhưng lại vô cảm, bàng quan với lợi ích cũng như gánh nặng của Nhà nước trong việc sử dụng vốn ODA” - công tố viên nói.
Mức án cụ thể cho các bị cáo Tòa tuyên bố sáu bị cáo tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ gồm: 1. Phạm Hải Bằng: 12 năm tù (VKSND đề nghị 11-13 năm tù); 2. Nguyễn Nam Thái: 11 năm tù (VKSND đề nghị 10-12 năm tù); 3. Phạm Quang Duy: Tám năm sáu tháng tù (VKSND đề nghị 8-10 năm tù); 4. Trần Văn Lục: Năm năm sáu tháng tù (VKSND đề nghị 6-8 năm tù); 5. Trần Quốc Đông: Bảy năm sáu tháng tù (VKSND đề nghị 7-9 năm tù); 6. Nguyễn Văn Hiếu: Bảy năm sáu tháng tù (VKSND đề nghị 7-9 năm tù). Ngoài ra, tòa còn tuyên truy thu số tiền 11 tỉ đồng từ các bị cáo; phạt mỗi bị cáo 30 triệu đồng để sung công; cấm các bị cáo đảm nhiệm các chức vụ tại cơ quan nhà nước trong ba năm. HĐXX cũng quyết định kê biên một số tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Quốc Đông để bảo đảm thi hành án. |