Ngày 2-10, TAND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án dùng nhục hình gây oan cho bảy thanh niên ở huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Tòa dành trọn cả ngày cho việc xét hỏi các bị cáo. Đến cuối ngày, đại diện VKS giữ quyền công tố vẫn chưa công bố bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Trần Văn Đở “bị mời” về PC45 khi nào?
Tại tòa, các luật sư bảo vệ cho bị cáo Triệu Tuấn Hưng đã tập trung làm rõ điểm mấu chốt Trần Văn Đở được điều về PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng khi nào. Cáo trạng cáo buộc hai bị cáo (nguyên điều tra viên) Triệu Tuấn Hưng và Nguyễn Hoàng Quân đã dùng nhục hình với Trần Văn Đở vào lúc 22 giờ đến 23 giờ đêm 13-7-2013. Vụ dùng nhục hình này, theo cáo trạng là có hai nhân chứng đã “mắt thấy tai nghe” là Nguyễn Văn Lượng và Hồ Trung Hiếu (đều là cán bộ điều tra được giao canh giữ Trần Văn Đở tại thời điểm này).
Các luật sư chất vấn hai người trực tiếp đi mời Đở là Lê Hữu Trường và Triệu Tấn Phát về thời gian đi mời Đở. Trường và Phát cùng khẳng định đi khoảng 8 giờ tối 13-7-2013, về đến trụ sở PC45 - Công an tỉnh Sóc Trăng gần 1 giờ sáng (tức 1 giờ sáng 14-7-2013). Các luật sư đã dựa vào chi tiết này để bác bỏ cáo buộc của VKS rằng Quân và Hưng đã đánh đập Trần Văn Đở lúc 22 giờ đêm 13-7-2013.
Khi công tố viên hỏi Trường và Phát xác định rõ về ngày đi mời Trần Văn Đở thì hai người này nói không nhớ rõ là ngày nào. Công tố viên trưng ra bản khai của Trần Văn Đở lúc 9 giờ 30 ngày 13-7-2013 tại PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng. Phù hợp với bản khai này là tường thuật của Trần Văn Đở rằng anh bị mời đến PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng lúc 1 giờ sáng 13-7-2013. Bản khai thể hiện Trần Văn Đở không nhận tội. Như vậy, thực chất Trần Văn Đở bị mời vào tối 12-7-2013 và có mặt tại PC45 Công an tỉnh Sóc Trăng lúc 1 giờ sáng 13-7-2013, phù hợp với lời khai của hai nhân chứng thấy Đở bị treo lên và bị đánh vào 22 giờ tối 13-7-2013.
Bị cáo Phạm Văn Núi cho rằng mình chỉ tham mưu mà bị truy tố là quá nghiêm khắc. Ảnh: TRẦN VŨ
Nhân chứng - đồng đội khai thấy đánh
Quá trình xét hỏi, ở những lúc khác nhau các nhân chứng và người liên quan trả lời có độ chênh nhau. Buổi sáng, có lúc Nguyễn Văn Lượng nói rằng không trực tiếp thấy Hưng và Quân đánh đập Trần Văn Đở nhưng anh nghe tiếng la ó trong phòng có Đở, Hưng và Quân. Tuy nhiên, đến chiều Lượng xác định lại là có nhìn thấy Hưng và Quân bạt tai Trần Văn Đở lúc anh đang ở vị trí cách Đở 2,5 m.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Quân cũng xác định lại một lời khai mà Quân đã khai với Cục Điều tra VKSND Tối cao. Rằng khi đó bị cáo này không phân công bị cáo Triệu Tuấn Hưng tham gia điều tra vụ án giết anh Lý Văn Dũng xe ôm. Xác định này củng cố cho lập luận kêu oan của Triệu Tuấn Hưng rằng không được phân công thì Hưng không có lý do gì tham gia vào vụ án, như vậy làm gì có chuyện dùng nhục hình ở đây.
Tuy nhiên, công tố viên đưa ra chứng cứ rằng Triệu Tuấn Hưng từng tham gia lấy lời khai của Nguyễn Thị Bé Diễm và bản cung này đã được Cục Điều tra VKSND Tối cao đưa vào hồ sơ vụ án dùng nhục hình đang diễn ra.
“Tôi chỉ là người tham mưu”
Dù chưa đến phần tranh luận nhưng bị cáo Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng, được chủ tọa cho “trải lòng” trong phần xét hỏi. Theo bị cáo Núi, để xảy ra một vụ án oan lớn như vậy thì bản thân bị cáo phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bị cáo nói: “Nhưng tôi chỉ là người tham mưu, truy cứu tôi là quá nghiêm khắc và chưa đúng chủ thể. Mức độ chịu trách nhiệm của tôi không đến mức phải ngồi ở đây như hôm nay”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hùng Việt, Trưởng phòng 1A VKSND tỉnh Sóc Trăng, lại nói rằng ông Núi là người được giao kiểm sát điều tra ngay từ đầu, ngay khi vụ án mới xảy ra nên ông Núi phải chịu trách nhiệm chính. Cáo trạng cũng đã xác định như vậy.
Khi các luật sư truy trách nhiệm, vị trưởng phòng này bảo: “Tôi thừa nhận đã quá tin vào các lời khai của hai người đầu thú là Thạch Sô Phách và Nguyễn Thị Bé Diễm”. Một luật sư hỏi ngay: “Ông không thấy bất thường ở chỗ Nguyễn Thị Bé Diễm vừa là người đầu thú, vừa là nghi can tội không tố giác tội phạm?”. Ông Việt ngập ngừng với câu hỏi này.
Cuối giờ chiều, chủ tọa tuyên bố vụ án sẽ tiếp tục được xét xử vào thứ Hai, ngày 5-10.
Người bị hại đòi bồi thường 110 triệu đồng Hai người bị hại có mặt tại tòa là Thạch Sô Phách và Khâu Sóc đã đề nghị tòa buộc những người đã đánh đập mình bồi thường thêm 110 triệu đồng (Sóc đòi 60 triệu đồng, Phách đòi 50 triệu đồng). Lý do hai người bị hại này đưa ra đây là khoản bồi hoàn vì sức khỏe và tinh thần tổn thương do bị đánh đập. “Hồ sơ điều tra quá hoàn hảo” Quá trình xét hỏi, bị cáo Phạm Văn Núi, nguyên kiểm sát viên VKSND tỉnh Sóc Trăng, phát biểu rằng mình đã không nghi ngờ gì, thậm chí có được lòng tin nội tâm rằng bảy thanh niên ở Trần Đề là hung thủ. Từ đó, bị cáo đã mạnh dạn đề xuất lãnh đạo phê chuẩn các quyết định tố tụng đối với bảy thanh niên trên. “Hồ sơ điều tra của công an quá hoàn hảo nên tôi không phát hiện được” - bị cáo Núi nói. |