Vụ nữ công an quậy: Phạt 200 ngàn đồng là sai!

Cùng với đủ kiểu lên án sai phạm, dư luận cũng bàn tán về cách thức xử lý, hầu hết đều chỉ trích mức phạt 200.000 đồng. Vậy phạt sao mới đúng?

Trong quyết định cấm bay có thời hạn được Cục Hàng không Việt Nam (VN) ban hành ngày 24-8, cục này xác định nữ đại úy Đội CSGT - Trật tự - Phản ứng nhanh của quận Đống Đa, Hà Nội nêu trên có nhiều hành vi vi phạm.

Những hành vi này gồm: Vi phạm trật tự công cộng, gây rối tại sân bay (không hợp tác, to tiếng chửi bới, có lời lẽ thô tục xúc phạm, lăng mạ nhân viên thủ tục hàng không; hành hung dùng tay nắm tóc và dùng chân đạp vào người nhân viên kiểm soát an ninh hàng không đang làm nhiệm vụ).

Cục Hàng không VN đã căn cứ vào Nghị định 92/2015 về an ninh hàng không để ngoài cấm bay đến cuối tháng 8-2020 thì còn thực hiện kiểm tra trực quan bắt buộc một năm tính từ mốc thời gian này.

Hành vi quậy của nữ công an tại sân bay khiến nhiều người bất bình, lên án.

Có một tréo ngoe cần phải thấy ngay từ đây. Cùng là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng không dân dụng như thế, vì sao trước đó bà Hiền không bị xử phạt hành chính theo nghị định phù hợp 162/2018 mà lại là Nghị định 167/2013 áp dụng cho lĩnh vực an ninh, trật tự?

Cụ thể, ngày 17-8, trưởng đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Công an quận Tân Bình, TP.HCM) đã quyết định xử phạt bà Hiền theo điểm b khoản 1 Điều 5 về việc “gây mất trật tự ở cảng” (có mức phạt tiền 100.000-300.000 đồng).

Trong khi đó, đối chiếu các hành vi được mô tả chính thức ở trên với Nghị định 162/2018 thì sẽ thấy bà vi phạm đến ba điều khoản của Điều 26 về an ninh hàng không tại cảng hàng không.

Nào là “không tuân theo sự chỉ dẫn của lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, nhân viên hàng không tại sân bay” theo khoản 2 (mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng). Nào là có “hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không” theo khoản 3 (mức phạt tiền 1-3 triệu đồng). Nào là “gây rối, kích động làm mất an ninh, trật tự tại sân bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” theo khoản 4 (mức phạt tiền 3-5 triệu đồng).

Tính theo luật định, nếu không có tình tiết giảm nhẹ và cũng không có tình tiết tăng nặng thì tổng mức phạt cho ba hành vi trên là 6.750.000 đồng (750.000 đồng + 2 triệu đồng + 4 triệu đồng).

Về nguyên tắc, công an được quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại các khu vực công cộng ở cảng hàng không hoặc do các cơ quan trong ngành hàng không dân dụng chuyển giao.

Thế nhưng khi bà Hiền có đến ba vi phạm thuộc ba điều khoản của Nghị định 162/2018 thì trưởng đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không thể xử phạt bà chỉ một hành vi theo Nghị định 167/2013. Do vậy, quyết định xử phạt đã nêu của trưởng đồn công an là sai và cần phải được hủy bỏ toàn bộ để Cảng vụ hàng không miền Nam ra quyết định mới đúng hơn.

Không phải vô cớ mà có nhiều người cho là bà Hiền cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng. Bởi lẽ các hành vi gây rối trật tự công cộng của bà tại sân bay đúng là gây ảnh hưởng quá xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tất nhiên, có hình sự hay không thì các cơ quan pháp luật sẽ phải xem xét thật kỹ lưỡng chứ không thể đơn thuần chạy theo dư luận.

Trong trường hợp vẫn tiếp tục cho rằng chưa đến mức truy cứu tội tình thì phải xử phạt hành chính cho đúng quy định cái đã. Mức phạt chính xác, nhẹ hay nặng sẽ phải tùy thuộc vào việc người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ (như đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi…) hoặc có tình tiết tăng nặng (như vi phạm có tính chất côn đồ…) chứ không thể tùy nghi.

Một lần nữa phải thấy mức phạt không thể là con số 200.000 đồng từng bị chỉ trích trong nhiều vụ càn quấy xuất phát từ sự vận dụng sai của công an địa phương do không có quy định (chẳng hạn là vụ cưỡng hôn trong thang máy chung cư). Vì với vụ của bà Hiền thì quy định có đủ, vấn đề chỉ là các cơ quan có chịu làm đúng theo hay không mà thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới