Trong tuần qua, những bài viết “Phở Hòa Pasteur bị ném sơn, mắm tôm”, “Công an thông tin vụ phở Hòa Pasteur liên tục bị “khủng bố”, “Vụ phở Hòa: Dấu hỏi lớn đã có lời đáp”… nhận được nhiều ý kiến bình luận chia sẻ của bạn đọc. Nhiều bạn đọc bức xúc trước hành vi ném sơn, mắm tôm vào quán phở của nhóm người đòi nợ và đòi hỏi công an nên xử lý nhanh và triệt để để người dân không phải sống trong bất an.
Dân kêu cứu đến tám lần
Sáng 31-7, hàng chục thực khách, trong đó có cả khách nước ngoài đang ăn điểm tâm tại quán phở Hòa Pasteur (quận 3, TP.HCM) đã phải chạy tán loạn khi có bốn thanh niên bất ngờ tạt sơn và mắm tôm vào quán rồi bỏ chạy.
Trước đó, tối 30-7, quán phở nổi tiếng này cũng bị một nhóm thanh niên dừng xe máy lại tạt sơn đỏ.
Theo ông Phạm Tùng Linh, chủ quán phở, từ ngày 1-7 đến nay, quán phở đã tám lần bị tạt sơn, mắm tôm và gia đình đều trình báo cho Công an phường 8, quận 3. Thế nhưng nhóm người này không dừng lại mà còn công khai thực hiện với tần suất dày đặc hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh, tài sản của gia đình.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Công an ở đâu khi người dân đã báo nhiều lần mà vẫn tiếp tục phải chịu cảnh sống trong lo sợ?
Bạn đọc Phạm Trường Ngọc Tuấn bức xúc: “Không thể tin được giữa một thành phố lớn nhất, nhì cả nước mà xã hội đen công khai thách thức pháp luật như thế. Thật lạ là bọn chúng ra tay đến bảy, tám lần mà không thấy công an vào cuộc. Đề nghị công an đừng làm ngơ để dân không phải sống bất an”.
“Hình thức đòi nợ khủng bố bằng mắm tôm đã xảy ra nhiều nơi và đã có rất nhiều người phải sống trong cảnh khốn khổ như thế này, phải chăng công an bất lực hay sao mà bọn giang hồ lộng hành như vậy?” - bạn đọc Nguyễn Lộc nêu ý kiến.
Bạn đọc Đoàn Thành kiến nghị rằng: “Trong vụ này phải truy trách nhiệm của công an phường, người dân đã lên báo nhiều lần tại sao các anh không vào cuộc? Đây là một vụ lớn và báo chí lên tiếng thì mới được chú ý. Trước đây có rất nhiều vụ tương tự đều bị bỏ qua nên chúng mới được nước lấn tới. Vụ này đề nghị phải xử mạnh tay để làm gương cho những người đòi nợ kiểu xã hội đen này sợ”.
Những bài báo thu hút nhiều sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Nên chăm sóc liệt sĩ gọn nhẹ
Tuần qua, các bài viết “Hà Tĩnh giải thích về lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ gần 5 tỉ"; Hiểu đúng gói thầu lễ vật thắp hương tiền tỉ”… cũng thu hút nhiều bình luận của bạn đọc.
Ngày 31-7, cộng đồng mạng xôn xao về gói thầu: “Mua sắm lễ thắp hương thờ cúng liệt sĩ nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh, liệt sĩ”. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh mời thầu với giá hơn 4,7 tỉ đồng; Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Bình mời thầu với giá hơn 8,7 tỉ đ ồng. Nhà thầu trúng cả hai gói thầu này là Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng.
Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh mỗi suất quà bằng hiện vật là bánh kẹo, thắp hương cho liệt sĩ trị giá 200.000 đồng. Ở Hà Tĩnh gần 24.000 suất quà nên số tiền là hơn 4,7 tỉ đồng.
Đa phần ý kiến các bạn đọc đều cho rằng đối với những vật phẩm dâng hương cho liệt sĩ không nên thông qua đấu thầu mà cần làm gọn nhẹ nhất có thể.
“Theo tôi thì nên cấp tiền cho các đối tượng thì hay hơn, khỏi phải mất tiền chi phí khác” - bạn đọc Nguyễn Văn Lưu góp ý.
Bạn đọc Phan Hà đồng quan điểm: “Thay vì đấu thầu mua vật phẩm thắp hương, tại sao tỉnh Hà Tĩnh không chi luôn bằng tiền mặt cho các gia đình thương binh, liệt sĩ? Làm như thế vừa không tốn chi phí cho đấu thầu, vừa gọn nhẹ”.
Trung Quốc nói rất hay nhưng làm thì ngược lại Giữa lúc biển Đông chưa hết dậy sóng khi đội tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc (TQ) lên tiếng trấn an các quốc gia trong khu vực và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, những thông điệp từ phía TQ lại cho thấy nước này đang tiếp tục theo đuổi chính sách nguy hiểm ở biển Đông. Theo nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 31-7 thì biển Đông vốn yên bình cho đến khi TQ xâm lấn. Việc thường xuyên để các đội tàu gây hấn ở khu vực, gần nhất là đội tàu xâm phạm EEZ, thềm lục địa Việt Nam và trước đó là Malaysia, Philippines cho thấy khái niệm “mang lại hòa bình cho khu vực” chỉ là một cách nói sáo rỗng. Các bài viết ““Hòa bình kiểu TQ” rất nguy hiểm ở biển Đông”, “Cẩn trọng việc TQ quá lạc quan về COC ở biển Đông”… nhận được nhiều ý kiến bức xúc trước hành động trái ngược với lời nói của TQ. Sự ngạo mạn, coi thường quốc tế, coi thường công lý và lẽ phải đã thể hiện đầy đủ trong phát ngôn của ông đại sứ TQ tại Philippines. Rõ ràng TQ đang vi phạm vào Luật Biển 1982. TQ phải trả giá cho những gì mình đã hành động. Thanh Đức TQ có truyền thống nói một đằng làm một nẻo, sẵn sàng xổ toẹt những gì đã hứa, đã cam kết. Chúng ta không được phép đánh đổi chủ quyền lãnh thổ lấy “hòa bình” theo kiểu TQ. Phan Văn Mai TQ nói hoàn thành tham vấn trong vòng ba năm COC nhưng 30 năm chắc chẳng có được cái gì! Hãy nhìn TQ đang làm gì trên biển Đông chứ đừng nghe những gì họ nói. TQ đang xâm phạm vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại bãi Tư Chính. TQ chỉ nói ngon ngọt, còn hành động của họ thì trái ngược. Thái Hòa - Các nước ASEAN đoàn kết lại cùng lên án thói bá quyền nước lớn của TQ, cùng bạn bè quốc tế hợp sức đưa vấn đề biển Đông ra Liên Hiệp Quốc. Thiết nghĩ TQ sẽ chùn bước tham lam. Phan Văn Mai - Cứ theo lời TQ thì các nước hãy “kiên trì, bình tĩnh” và hãy duy trì “hòa bình” để TQ muốn làm gì thì làm vì “vấn đề này nhạy cảm” và “không dễ giải quyết một sớm một chiều”. Đúng là họ khéo dùng chữ để che đậy âm mưu khác! Nhưng ai cũng hiểu được thâm ý của họ. Nguyễn Duy Bảo |