Vụ tài xế cán chú chó tại cây xăng: Trách nhiệm pháp lý ra sao?

Mới đây trên một diễn đàn về thú cưng cộng đồng mạng đã tranh cãi một vụ việc xảy ra tại Đà Nẵng khi chủ một chú chó dừng xe đổ xăng và thả rông để chó chạy trong khu vực cây xăng. Chú chó này nằm chắn ngang luồng đi lại của phương tiện ra vào cây xăng.

Một người lái xe do không quan sát đã cán phải chú chó. Sau đó, chủ chó đăng tin lên các nhóm yêu chó mèo truy tìm tung tích của chủ xe, đăng công khai biển số lên trên mạng và yêu cầu "chủ xe phải chịu trách nhiệm".

Sau khi vụ việc được chia sẻ đã gây ra nhiều luồng tranh cãi. Một bên thì cho rằng chủ xe cần phải có trách nhiệm trước tiên, tại sao không bấm còi để đuổi chó đi mà lại cán qua người chú chó khiến nó phải chịu đau đớn? Bên còn lại cho rằng chủ chó phải có trách nhiệm khi đã không quản lý và thả rông vật nuôi, không đeo rọ mõm…Bên cạnh đó, có một số bạn đọc thắc mắc: Nếu va chạm giao thông với vật nuôi, trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến vụ việc trên Luật sư Đỗ Thanh Trung, đoàn luật sư TP.HCM, cho biế: Luật giao thông đường bộ 2008 không cho phép chủ vật nuôi được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới. Đồng thời cũng không được thả rông súc vật trên đường bộ.

Tuy nhiên, trong trường hợp này chủ chó thả chó trong khu vực cây xăng, không phải lòng, lề đường tham gia giao thông nên không xem xét đến vi phạm nói trên. 

Chú chó (vùng khoanh tròn) bị chiếc xe cán qua tại trạm đổ xăng. Ảnh: Cắt từ clip

Về trách nhiệm của chủ chó, trường hợp này chủ chó đã không quản lý, để chó ở nơi công cộng mà không đeo rọ mõm. Việc làm này có thể sẽ bị tiền từ 1-2 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 90/2017 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2020) cho hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa ra nơi công cộng.

Xét đến trách nhiệm của chủ xe, theo khoản 1 Điều 584 BLDS có nêu rõ: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”. Do đó, trong trường hợp này nếu chứng minh được chủ xe thấy và biết được chú chó đang nằm tại vị trí đó nhưng vẫn cố tình điều khiển xe đâm vào thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do hai bên thoả thuận.

Tuy nhiên, lưu ý rằng chủ chó cần phải chứng minh được chủ xe cố tình đâm chú cho thì mới có cơ sở để yêu cầu bồi thường.

Một trường hợp khác, bạn đọc Nguyễn Hưng gửi về PLO thắc mắc: "Tôi vừa  bị té ngã khi tông phải chú chó chạy ngang qua đường, may mắn không bị thương gì. Nếu chó không đeo rọ mõm ở nơi công cộng, chủ chó không xích chó mà gây tai nạn thương tích cho người khác thì xử lý ra sao?"- bạn đọc Nguyễn Hưng hỏi. 

Vấn đề này, Luật sư Đỗ Thanh Trung cho biết: Nếu một chủ chó nào đó mà thả rông chó gây tai nạn hoặc gây thiệt hại cho người khác thì ngoài việc có thể bị xử phạt về hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ chó còn có thể tiếp tục đối diện mức phạt từ 1-2 triệu đồng theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 144/2021 về hành vi để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh việc xử phạt hành chính thì chủ chó còn phải bồi thường thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra. Tuỳ vào thiệt hại thực tế mà hai bên thoả thuận mức bồi thường.

Trường hợp chủ chó thả rông chó gây ra tai nạn khiến người khác chết thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), với khung hình phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Phạm tội làm chết hai người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm