Những nhân chứng bị lãng quên:

Vụ thảm sát Cát Bay: Kỳ 1 - Cuộc hành quân ‘Sang et feu’

Vết thương của vụ thảm sát giờ vẫn đang nhức nhối trong lòng họ và họ sẵn sàng đi khắp nơi để kể về nỗi đau tột cùng mà họ đã phải gánh chịu. Nhìn lại vụ thảm sát, không phải để nhắc lại một chứng tích hết sức đau thương của quá khứ mà để hiểu rõ một sự kiện lịch sử không thể lãng quên để cảnh giác, để phấn đấu cho hòa bình, để không còn nơi nào trên trái đất này xảy ra thảm cảnh như Cát Bay…

Nước mắt, máu và lửa!

Ông Sáu Thời thắp nhang tưởng nhớ toàn bộ gia đình mình đã bỏ mạng trong vụ thảm sát tang thương. Ảnh Phương Nam

Sáng 20-2-1951 nhằm đúng ngày rằm tháng Giêng năm Tân Mão, hai tiểu đoàn lính Âu-Phi và Lê Dương dưới sự chỉ huy của quan ba Pháp De Lasol bất ngờ đổ bộ vào làng Cát Bay (thôn Đông Bình, xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) trong cuộc hành quân mang tên Sang et feu (máu và lửa).

Đúng như tên gọi, cuộc hành quân này diễn ra đầy lửa, nước mắt và máu của những nạn nhân bởi khi bị bắn giết, hãm hiếp họ không biết điều gì đã xảy ra và ập đến với họ. Hai tiểu đoàn của quân đội Pháp đã thực hiện cuộc thảm sát vô cùng dã man, giết chết không toàn thây 311 người phần lớn đều là phụ nữ, trẻ em và thường dân vô tội. Hơn 50 người khác bị thương; hơn 200 nóc nhà bị thiêu rụi; hàng trăm trâu bò, gia súc cũng bị giết sạch. Cuộc thảm sát diễn ra vào sáng sớm khi hầu hết những người trong làng Cát Bay đang ăn cơm sáng chuẩn bị ra đồng. Chưa kịp buông đũa, họ đã hoảng hốt khi thấy hàng trăm lính Âu-Phi xả súng vào từng nhà.

Gia đình ông Trần Giác và Lục Minh Huệ gồm có tám người bị bắn chết đầu tiên khi miệng còn đầy cơm. Gia đình ông Phạm Tôn bị lùa ra trước sân xả súng bắn chết cả 22 người, chỉ còn hai đứa cháu ngoại may mắn thoát chết. Chị Phạm Thị Nừng, mới sanh con không chạy kịp bị một nhóm lính thay nhau hãm hiếp rồi dùng lưỡi lê cắt vú, xẻo tai, ném cả chị và đứa trẻ sơ sinh vào lửa. Thấy người thân bị bắn chết quá đau lòng, bà Phạm Thị Thời nhào ra gào thét cũng bị chúng xả súng bắn chết tại chỗ.

Cuộc hành quân “Máu và lửa” chia làm ba cánh, từng nhóm lính khát máu lần lượt đến từng nhà thi nhau hãm hiếp, bắn giết, đốt nhà theo kế hoạch đã được định sẵn. Khi đến giữa làng, chúng vào nhà ông Lý Thóc gọi ông, vợ và con gái ra đứng trước sân. Biết van lạy cũng không được quyền sống, ông Lý Thóc kêu con gái là chị Lý Thị Năm lúc đó 20 tuổi ra núp sau lưng ông. Lập tức hai tên lính lạnh lùng xả súng bắn chết cả hai vợ chồng ông Lý Thóc. Thấy người chị Lý Thị Năm đầy máu, tưởng đã chết nên một tên chỉ đến phóng lửa đốt nhà rồi bỏ đi. Đêm đó, sau khi hai tiểu đoàn nói trên rút về căn cứ, chị Năm được cứu sống và mới qua đời vài năm gần đây. Có một câu vè hát theo kiểu bài chòi về câu chuyện cảm động này, nay vẫn còn được truyền miệng ở huyện Tuy Phong:

                Muốn cho con sống ở đời

                Trước giờ sắp chết dặn lời lâm chung

                Con nên nằm núp sau lưng

                Giữ được trọn tiết, thoát vòng lâm nguy

                Cha mẹ giặc bắn chết ngay

                Ngã lên mình chị thấm đầy máu loang….(*)

178 hay 311 người bị giết chết ?

Tượng đài vụ thảm sát Cát Bay. Ảnh Phương Nam

Cuộc hành quân “Máu và lửa” của quân đội Pháp vào làng Cát Bay ngày 20-2-1951 là một cuộc thảm sát có kế hoạch, có phương pháp. Ba cánh quân được chia làm nhiều tốp và có nhiệm vụ rõ ràng. Tốp này bắn giết, tốp khác đốt nhà, giết trâu bò và tốp sau cùng kiểm tra nếu thấy người nào còn sống sẽ kết liễu!

Ngay cả người tu hành, bọn chúng cũng không tha. Hòa thượng Thích Minh Đức lúc đó 33 tuổi đang tụng kinh tại gia bị một tốp lính xộc vào nhà bắn chết ba người và ông bị trúng đạn ngay bụng rồi bỏ đi. Căn nhà bị đốt cháy, ông gắng gượng bò ra ngoài và được cứu sống. Sau này ông từng là trụ trì chùa Cổ Thạch (Tuy Phong); Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận và mới qua đời vào đầu năm ngoái.

Theo cuốn Lịch sử Tuy Phong 1930- 1954 do Đảng bộ huyện Tuy Phong in năm 1983, trang 241, ghi: “Ngày 20-2-1951, địch huy động một trung đoàn lính Âu- Phi càn qua vùng Cát Bay với chủ trương đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Chúng đã giết hại 178 người, bị thương hơn 50 người, nhà nào cũng có người chết, bị thương; đốt hơn 200 nóc nhà, giết hàng trăm trâu bò. Dồn số dân còn sống sót ở các thôn Gộp, Long Thanh về Long Hương…”.

Còn trong cuốnBình Thạnh-truyền thống cách mạng và văn hóa in năm 1996, trang 75, nêu: “Do tinh thần triệt để bất hợp tác với giặc mà trong trận tàn sát khốc liệt này, 250 đồng bào yêu nước đã bị sát hại”. Tuy nhiên theo ông Châu Thanh Thiên con số 311 người là chính xác nhất và khi ông công bố đều được tất cả mọi người đồng tình, nhờ thế nhiều người may mắn sống sót đã tìm lại được gia tộc, mồ mả của ông cha mình. Được biết, ông Châu Thanh Thiên là cháu ngoại của ông Phạm Tôn, gia đình chết nhiều nhất trong vụ thảm sát gồm 22 người. Sau vụ thảm sát gia đình ông chỉ còn lại ông và đứa em trai kế tên Châu Đường nương nhau mà sống.

Trước đây, ông Thiên cho biết suốt gần 20 năm ông đã dày công sưu tập, tìm kiếm. Sau đó ông đã hệ thống đầy đủ toàn bộ tên tuổi, gia đình của 311 người chết, trong đó có 14 gia đình gồm 96 người tuyệt tự, không còn người nhang khói. Tháng 7-2007, ông Thiên qua đời ở tuổi 81 và những nhân chứng sống trong vụ thảm sát Cát Bay đẫm máu năm nào nay chỉ còn lại tám người. Tất cả họ đều sống lặng lẽ, luôn ám ảnh về vụ giết chóc tàn nhẫn vào rằm tháng Giêng năm Tân Mão. Mỗi năm vào ngày này họ đều tập hợp, hùn nhau bỏ tiền túi cho ngày giỗ chung của làng và ngày rằm tháng Bảy âm lịch, ngày Xá tội vong nhân với hương hồn những người đã khuất.

-------------------------------------------------------------------------------------------------

(*). Đoạn thơ sử dụng trong bài đều là của ông Châu Thanh Thiên, một nhân chứng trong vụ thảm sát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới