Kéo Hoàng Sa về gần hơn với Tổ quốc

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ĐB HĐND khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức vào sáng 17-2 mới đây, ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP) đã có một đề xuất táo bạo là huyện Hoàng Sa phải có một ĐB tham gia HĐND TP Đà Nẵng khóa IX.

Đề xuất của ông đã được 100% ĐB đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, người gắn bó trọn trái tim mình với Hoàng Sa cho rằng đây là thời điểm chín muồi để kéo núm ruột Hoàng Sa về với đất mẹ.

Đau đáu với Hoàng Sa

. Phóng viên: Theo ông, người Việt cần làm gì để kéo Hoàng Sa về với đất liền?

+ Tôi cho rằng Hoàng Sa luôn thường trực trong mỗi trái tim người Việt. Người Việt chúng ta phải đau đáu về Hoàng Sa thì khi đó Hoàng Sa vẫn sẽ trường tồn là một phần lãnh thổ của Tổ quốc thiêng liêng.

Để kéo Hoàng Sa về với đất liền, trước tiên mỗi người Việt phải luôn luôn nhớ tới Hoàng Sa. Hoàng Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ và trong tâm thức mỗi người dân phải luôn luôn nhớ đến Hoàng Sa và cùng chung tay, góp sức mình đưa Hoàng Sa về với đất liền máu mủ.

Thứ nữa, muốn kéo Hoàng Sa về với đất liền thì Hoàng Sa phải là một huyện với đầy đủ chức năng từ quản lý nhà nước đến địa giới, dân số và lịch sử truyền thống. Đó phải là một huyện có dân, có đất, có người quản lý nhà nước. Theo tôi, cần phải sáp nhập vào Hoàng Sa một số phường (Mân Thái, Thọ Quang) để hình thành một chỉnh thể Hoàng Sa có dân. Đó không chỉ để khẳng định Hoàng Sa mãi mãi sống trong tâm tưởng người Việt mà nó còn để chúng ta đấu tranh về mặt pháp lý cho chủ quyền Tổ quốc của mình.

Có đất, có dân và chính quyền Hoàng Sa

. Nghĩa là Hoàng Sa sẽ không chỉ nằm trong tâm thức chủ quyền của người Việt mà phải trở thành thực thể trên thực tiễn, thưa ông?

+ Đúng thế. Không chỉ dừng lại ở đó, muốn kéo Hoàng Sa về gần hơn với đất mẹ thì các hoạt động về Hoàng Sa cần phải thực chất. Có dân, có đại biểu HĐND đại diện cho tiếng nói của Hoàng Sa và thậm chí có cả HĐND của huyện Hoàng Sa. Có hoạt động thực chất, có tính pháp lý về mặt quản lý nhà nước thì khi đó Hoàng Sa mới là thực thể hoàn chỉnh có dân, có lãnh thổ trên đất liền. Lúc đó chúng ta càng có cơ sở pháp lý để đấu tranh với Trung Quốc cũng như trên bàn đàm phán quốc tế.

. Ông nghĩ gì với đề xuất cần có một ĐB HĐND cho huyện Hoàng Sa vừa được đưa ra?

+ HĐND TP Đà Nẵng hơn bao giờ hết cần có một ĐB của huyện Hoàng Sa. ĐB của Hoàng Sa không thể không có. Trong cơ cấu ĐB HĐND TP luôn có cơ cấu ĐB cho các quận, huyện thì không có lý do gì Hoàng Sa không có ĐB cho mình. Tôi cho rằng việc có ĐB HĐND của huyện Hoàng Sa là điều đương nhiên.

Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trong ảnh: Toàn cảnh đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép. Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng trên đảo một sân bay có thể đón cả các máy bay thương mại cỡ lớn như Boeing 737 và các máy bay quân sự. Gần đây, Trung Quốc còn cho kéo hệ thống tên lửa một cách trái phép tới đây. Ảnh: INTERNET.

. Vậy theo ông, việc này có cần phải làm ngay?

+ Theo tôi thì phải làm và làm nhanh hơn so với hiện tại, vì làm như hiện nay đã là chậm. Bây giờ Hoàng Sa cần phải có dân nếu như muốn kéo phần lãnh thổ thiêng liêng này về với đất liền. Khi nào Hoàng Sa vẫn chưa về với đất liền thì lúc đó mỗi người dân Việt Nam cần phải đau với nỗi đau dân tộc. Nỗi đau đó luôn day dứt với mỗi người Việt.

. Xin cám ơn ông.■

“Không thể trì hoãn nữa”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Bùi Văn Tiếng nói: “Kỳ này tôi nghĩ là không tiếc gì mà chúng ta mà không bầu một ĐB của Hoàng Sa vào HĐND TP Đà Nẵng. Hoàng Sa là một thực thể máu xương của Tổ quốc. Nếu phương án tới đây được Chính phủ chấp nhận thì hai phường Mân Thái và Thọ Quang sẽ trở thành một phần của Hoàng Sa. Tôi cho rằng bây giờ chúng ta không thể trì hoãn được nữa”.

Kéo Hoàng Sa về gần hơn với Tổ quốc ảnh 3
Ông Bùi Văn Tiếng. Ảnh: LÊ PHI

. Phóng viên: Ông đề xuất phải có một ĐB dân cử của huyện Hoàng Sa trong cơ cấu HĐND TP Đà Nẵng. Vậy theo ông nên cơ cấu như thế nào đối với vị ĐB “đặc biệt” này?

+ Ông Bùi Văn Tiếng: Trong bối cảnh như hiện nay, tức là UBND huyện Hoàng Sa chỉ có một chủ tịch UBND huyện chưa có cử tri, chưa có dân thì có thể ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa làm ĐB của huyện tại HĐND TP.  Với phương án kéo Hoàng Sa vào với đất liền (trong đó có phương án đưa phường Thọ Quang và Mân Thái sẽ được sáp nhập vào UBND huyện Hoàng Sa) nếu khả thi thì có thể tới đây Hoàng Sa không chỉ là có ĐB của Hoàng Sa trong HĐND TP mà còn có cả HĐND huyện Hoàng Sa với cử tri của mình nữa. Hy vọng phương án đó sẽ được xúc tiến.

. Vậy phương án đó hiện giờ đã được xúc tiến như thế nào?

+ Như tôi biết thì hiện phương án này đã được trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê chuẩn, còn có kịp cuộc bầu cử hay không thì phải chờ. Khi đó, Hoàng Sa sẽ trở thành một huyện gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và hai phường trên đất liền.

. Nếu đề xuất của ông thành hiện thực, vậy đây là lần đầu tiên Hoàng Sa có một ĐB trong HĐND TP Đà Nẵng?

+ Trước đây cũng có một ĐB của quận Sơn Trà kiêm luôn đại diện cho Hoàng Sa. Tức là  khi đó mới chỉ là ghép ĐB chứ chưa dứt khoát có một ĐB chính danh cho huyện Hoàng Sa.

. Tức là bây giờ sẽ có một ĐB chính danh của Hoàng Sa.

+ Đúng rồi. Một người hẳn hoi và ông đó chỉ đại diện cho Hoàng Sa. Khi phương án Hoàng Sa được kéo về đất liền và thành một huyện có dân, có cử tri thì ông đó sẽ là nòng cốt và cũng là chủ tịch HĐND huyện Hoàng Sa.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm