Theo ông Nguyễn Nho Trung (Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng), TP Đà Nẵng được cơ cấu sáu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong đó có hai ĐB do trung ương gửi về và bốn ĐB địa phương, trong đó có hai nữ. Đặc biệt, theo cơ cấu này thì TP Đà Nẵng phải giới thiệu một ĐB trẻ dưới 40 tuổi, để có số dư TP sẽ giới thiệu 10 ĐB ứng cử làm ĐBQH khóa XIV.
Riêng về ĐB HĐND thì TP Đà Nẵng sẽ lấy số dư và giới thiệu ra ứng cử ít nhất 88 ĐB để lấy ra 50 người.
Đà Nẵng từng dám bầu bí thư tuổi 40
Thảo luận về cơ cấu ĐBQH, ông Nguyễn Đăng Hải (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng) kiến nghị trung ương cần gửi về số lượng ĐB ứng cử phải có dư, không nên quy định Đà Nẵng phải có hai ĐB là nữ mà chỉ nên quy định là ít nhất một nữ, trong đó có một nữ ĐB được trung ương cơ cấu về Đà Nẵng. Ông Hải cũng cho rằng không nhất thiết phải quy định TP Đà Nẵng phải có một ĐB trẻ dưới 40 tuổi.
Theo ông Hải, tại cuộc họp hôm 16-2, Chủ tịch Hội đồng bầu cử TP Đà Nẵng Trần Thọ có ý kiến là phải chọn cho được một đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng mạnh bằng hoặc mạnh hơn so với khóa XIII, trong đó khuyến khích các ĐB tự ứng cử.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Hội Người cao tuổi TP Đà Nẵng cho rằng đã bỏ phiếu để chọn ra ĐBQH đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì nhất thiết phải có số dư. Ông nào tín nhiệm hay không tín nhiệm thì người dân biết sẽ tự bỏ để lựa chọn. “Phải dôi dư ra để dân bỏ phiếu lựa chọn” - vị này nói.
Tuy nhiên, Đại tá Thái Thanh Hùng (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng) không đồng tình với ý kiến này. Đại tá Hùng nói nên giữ nguyên như cơ cấu trung ương đã quy định.
“Nếu chúng ta đề nghị có số dư, trung ương gửi về cho bốn ông bộ trưởng khi đó đưa ra bầu cử dân cứ thấy mấy ông này ở trung ương về là bỏ phiếu hết thì sao. Lỡ tất cả bốn ông từ trung ương gửi về đều trúng thì TP chỉ còn hai ĐB. Lúc đó sẽ rất khó cho TP” - Đại tá Hùng nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP) cho rằng về cơ cấu Đà Nẵng có ĐBQH trẻ dưới 40 tuổi không có gì cần phải băn khoăn vì TP Đà Nẵng từng là một trong hai địa phương trong cả nước dám mạnh dạn bầu người đứng đầu là bí thư dưới 40 tuổi.
“Số trẻ học hành rồi, bài bản, có tài đức thì cứ mạnh dạn chọn. Mình nghĩ là tìm không ra, chưa vững tư tưởng nhưng thực ra để trẻ làm tốt quá chứ sao. Lúc cần già thì mình lại chọn ông tuổi trẻ, lúc cần trẻ mình lại chọn già. Tôi nghĩ là cứ làm theo cơ cấu trung ương quy định là được” - ông Tiếng nói.
Hoàng Sa sẽ lần đầu tiên có đại biểu HĐND
Đặc biệt, sau khi nghe Thường trực HĐND TP Đà Nẵng thông báo về cơ cấu ĐB HĐND khóa IX với số lượng được bầu là 50 ĐB nhưng không đề cập đến ĐB huyện Hoàng Sa, ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật TP) đã yêu cầu Hội nghị hiệp thương phải đưa ngay vào cơ cấu một ĐB thuộc UBND huyện Hoàng Sa.
“Lần này thì không tiếc gì mà không bầu cho ra được một ĐB đại diện cho huyện Hoàng Sa. Nhiệm kỳ này HĐND TP phải có một ĐB của huyện Hoàng Sa. Hoàng Sa là máu mủ Tổ quốc, là khúc ruột của TP Đà Nẵng đang bị chiếm đóng. Chúng ta luôn đấu tranh cho Hoàng Sa thì nhất thiết cần phải cơ cấu một ĐB cho huyện Hoàng Sa, tôi đề nghị Hoàng Sa phải có một ĐB” - ông Tiếng thẳng thắn nói.
Đại tá Thái Thanh Hùng (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng) đứng lên nói ông hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ông Tiếng. “HĐND TP của chúng ta phải có một ĐB của Hoàng Sa. Chúng ta phải có một ĐB của huyện Hoàng Sa để vừa đấu tranh chính trị bảo vệ chủ quyền huyện đảo thiêng liêng này của Tổ quốc nhưng đồng thời giáo dục, nhắc nhở các thế hệ trẻ và người dân không quên Hoàng Sa, một phần máu thịt của Tổ quốc chúng ta” - Đại tá Hùng nhấn mạnh.
Một vị đại diện cho Hội Tù yêu nước TP Đà Nẵng cũng đứng lên yêu cầu phải có một ĐB của huyện Hoàng Sa. “Đây cũng là yêu cầu của nhân dân. Nếu không có một ĐB của huyện Hoàng Sa thì sẽ khó ăn nói với nhân dân TP và nhân dân cả nước. Có ĐB đại diện cho Hoàng Sa thì chúng ta sẽ tăng thêm tính pháp lý và góp phần bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Tổ quốc” - vị này khẳng khái nói.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của ông Tiếng và một số ĐB khác thì liên tục các ĐB tham dự hội nghị hiệp thương đều đứng lên phát biểu và yêu cầu phải cơ cấu một ĐB HĐND cho huyện đảo thiêng liêng này.
Kết thúc Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng) đã đề nghị các ĐB đại diện cho các hội, đoàn thể, Mặt trận… biểu quyết việc tăng thêm một ĐB cho huyện Hoàng Sa.
100% các ĐB đã đồng loạt giơ tay biểu quyết thông qua thể hiện ý chí đấu tranh cho chủ quyền Tổ quốc hết sức mạnh mẽ. Như vậy, hy vọng tới đây lần đầu tiên trong lịch sử HĐND TP Đà Nẵng, Hoàng Sa sẽ có một ĐB chính danh đại diện cho huyện đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm.