Vụ tráo máy Nhật: Công an nói có dấu hiệu gian dối

Tại buổi giao ban báo chí vào chiều 1-3, Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết bước đầu đã xác định được một số sai phạm trong vụ việc “tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc” cấp cho dân nghèo tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh.

Xã trần tình vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc - ảnh 1
Nhiều máy móc bên ngoài có nhãn hiệu Honda nhưng lột ra bên trong lại là nhãn hiệu của Trung Quốc. Ảnh: NP

Trước đó, ngày 13-7-2016, UBND huyện Hàm Thuận Bắc ra Quyết định số 4054 để triển khai Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân nghèo đồng bào thiểu số để họ tự mua máy móc, nông cụ. Trong đó xã La Dạ có 306 hộ/1.335 khẩu được hỗ trợ mua sắm với số tiến là 1.530.000.000 đồng.
Do lo ngại người dân tiêu xài, không mua sắm máy nên UBND xã La Dạ đã tổ chức họp dân để thông báo số tiền được hỗ trợ là 5 triệu đồng/hộ để họ đăng ký mua máy móc, nông cụ theo yêu cầu. UBND xã La Dạ sau đó ký hợp đồng với cơ sở nông cơ Minh Thắng (huyện Tánh Linh) để cung ứng máy móc, nông cụ (tổng trị giá hợp đồng là 1.530.000.000 đồng, gồm 20 loại máy móc, nông cụ nhãn hiệu HONDA).
Trong hai ngày 28 và 29-12-2016, UBND xã La Dạ tiến hành cấp máy móc cho người dân. Tuy nhiên, sau khi nhận máy móc, nông cụ về, một số hộ đưa vào sử dụng thì chất lượng máy móc không đảm bảo, phát hiện trên thân máy có dán hai nhãn hiệu khác nhau trên một máy, tem dán chồng lên nhau, nghi vấn máy móc không chính hãng, xuất xứ từ Trung Quốc nên nhiều hộ dân nghèo đã yêu cầu làm rõ việc đánh tráo máy này.
UBND tỉnh Bình Thuận lập tức chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra và bước đầu phát hiện một số sai phạm.
Cụ thể, đối với UBND xã La Dạ, theo quyết định việc hỗ trợ cho dân bằng tiền mặt nhưng UBND xã La Dạ không phát tiền mặt, đã hợp đồng với đơn vị để cung ứng máy móc, nông cụ cho dân nhưng không họp dân để triển khai cho dân biết trước khi ký hợp đồng mua máy móc, nông cụ là không đúng quy định.
Theo quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014, đối với tài sản có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên phải đấu thầu nhưng UBND xã La Dạ hợp đồng mua sắm 1.530.000.000 đồng lại chỉ định thầu là không đúng quy định. Đồng thời việc lựa chọn đơn vị cung ứng cũng không đảm bảo năng lực và không thông báo rộng rãi để các nhà cung ứng biết để tham gia.
Khi đã hợp đồng với đơn vị cung ứng cũng không kiểm tra hàng hóa trước khi cung cấp cho dân, mặc dù có đến đơn vị cung ứng để nghiệm thu hàng nhưng chỉ xem mỗi loại một đơn vị mẫu…
Đối với Phòng Dân tộc huyện Hàm Thuận Bắc, là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi thực hiện của UBND các xã nhưng đã không hướng dẫn cụ thể. Quá trình UBND xã La Dạ triển khai thực hiện, Phòng Dân tộc không theo sát kiểm tra, giám sát nên đã dẫn đến sai phạm.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Nhiều, đối với đơn vị cung ứng đã thực hiện cung cấp máy móc không đúng hợp đồng. Bản thân chủ đơn vị cung ứng là ông Hồ Minh Thắng cũng thừa nhận các loại máy móc trên là mua loại II, là hàng từ Trung Quốc, không đúng với giá 5 triệu đồng. Hành vi của ông Thắng có dấu hiệu của việc gian dối, đánh tráo hàng hóa, cung cấp hàng không đúng chất lượng để thu lợi bất chính.
Hiện Công an tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Công an huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm