Vụ va vào hố ga ghết oan: Không chỉ lỗi ở lái xe!

Liên quan đến vụ “chết oan vì hố ga”, ngày 30-8 xử sơ thẩm, ngoài việc phạt lái xe Lại Phước Thắng chín tháng tù về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, TAND quận Thủ Đức cũng kiến nghị Sở GTVT TP.HCM và Công ty Thoát nước đô thị TP kiểm tra, tu sửa các hố ga trên tuyến đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức.

Vì sao tòa chỉ kiến nghị mà không truy trách nhiệm; ngoài lái xe thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến cái hố ga như thế nào; người trong cuộc nói gì về vụ án này?

Bị cáo cũng có thể là nạn nhân

Cáo trạng xác định lỗi trong vụ tai nạn hoàn toàn thuộc về bị cáo Thắng…

Tại phiên xử, ngoài chuyện đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, anh Lê Quốc Đức (chồng chị Mai) còn kiến nghị tòa “truy cứu” trách nhiệm của những đơn vị liên quan gián tiếp gây ra cái chết cho vợ nhưng tòa chỉ kiến nghị như trên mà không đề cập gì đến trách nhiệm các cơ quan.

Anh Đức nói: “Xét ở góc độ nào đó, bị cáo Thắng cũng là nạn nhân. Trên thực tế, Thắng đã va quẹt vào xe vợ tôi nhưng giả sử nếu hố ga không nhô ra đường thì có thể đã không xảy ra tai nạn. Tôi luôn nghĩ pháp luật là nghiêm minh, công bằng. Thế nhưng vì sao hố ga nhô ra đường có phần trách nhiệm của Công ty Thoát nước đô thị TP, của cơ quan chuyên ngành về giao thông… nhưng cơ quan điều tra, VKSND quận Thủ Đức đã không đề cập đến trách nhiệm của họ dẫn đến tòa án cũng không xem xét, truy cứu?” - anh Đức đặt vấn đề.

Không truy trách nhiệm cơ quan quản lý?

Theo tài liệu chúng tôi có được, hố ga nơi nạn nhân chết là một trong 400 hố ga nằm trong dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Hoàng Diệu 2, được Sở Giao thông Công chánh (nay là Sở GTVT) phê duyệt từ năm 2004. Chủ đầu tư dự án là Công ty Thoát nước đô thị TP (trực thuộc Sở GTCC), nay là Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Đô thị trực thuộc UBND TP. Dự án hoàn thành từ cuối năm 2008.

Hố ga nhô ra mặt đường làm nạn nhân va vào nên bị xe tải cán. Ảnh: NĐ

Ngày 9-10-2010, bị cáo Lại Phước Thắng chạy ô tô đến trước nhà 913 Kha Vạn Cân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) thì bậc lên xuống cabin xe va vào xe máy do chị Hà Thị Tuyết Mai chở con đang chạy cùng chiều. Vụ va chạm làm xe máy của chị Mai lao về phía trước, va tiếp vào nắp hố ga nhô ra đường đến 10 cm trước nhà 913 làm chị ngã xuống đường, bị ô tô của Thắng trờ tới cán chết.

Theo thiết kế được duyệt, tất cả gần 400 hố ga thuộc dự án nằm dọc tuyến đường Kha Vạn Cân đều nằm trong vỉa hè, cách mép đường hơn 80 cm. Thực tế, hố ga gây họa cho nạn nhân lại nằm sát mép đường, dễ làm người đi đường va vào. Ông Lê Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TP, cũng từng nhìn nhận với Pháp Luật TP.HCM: “Có một số hố ga được thi công không đúng so với thiết kế”.

Rõ là việc hố ga nhô ra đường chậm được xử lý dẫn đến va chạm gây chết người có phần trách nhiệm của Công ty Thoát nước đô thị (chủ đầu tư và đơn vị được thuê kiểm tra, đề nghị khắc phục hư hỏng, khuyết tật của hệ thống thoát nước); Trung tâm Chống ngập (đơn vị vận hành, duy tu) và cả Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 mà trực tiếp là Sở GTVT. Nhưng vì sao HĐXX chỉ “truy” trách nhiệm đối với tài xế gây tai nạn không thôi?

Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết: HĐXX chỉ xem xét trong phạm vi cáo trạng. Ngoài ra, xét thấy đề nghị của gia đình nạn nhân là hợp lý nên đã yêu cầu Sở GTVT, Công ty Thoát nước đô thị TP… kiểm tra, tu sửa các hố ga để không xảy ra tình trạng đau lòng tương tự.

Thiếu công bằng

Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhận định quyết định của HĐXX chưa phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án và thiếu công bằng.

“Bị cáo Thắng có lỗi trong vụ này nhưng cho rằng “lỗi hoàn toàn” là chưa chính xác. Nếu hố ga này không có khiếm khuyết gì thì có thể Thắng đã không gây ra tai nạn chết người.

Trong vụ việc này, cơ quan quản lý đường bộ là Sở GTVT và đơn vị vận hành, duy tu hố ga như trung tâm chống ngập, công ty thoát nước đô thị cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Thực tế có xu hướng là các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan bảo vệ pháp luật thường quy trách nhiệm cho người trực tiếp gây ra tai nạn mà không xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong một xã hội pháp quyền thì điều này là không công bằng”- luật sư Ly Tao nói.

. Nhưng HĐXX chỉ có thể “xét” theo cáo trạng mà thôi?

+ Đây là một thiếu sót. Tòa chỉ xử theo những quy buộc của cáo trạng mà không được mở rộng. Tòa chỉ được thay đổi tội trạng nếu theo hướng giảm nhẹ hình phạt còn không thì phải trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Việc trả hồ sơ phải đặt ra một số yêu cầu để VKS, cơ quan điều tra làm rõ nhưng cũng được phép trả hồ sơ tối đa hai lần. Trong nhiều trường hợp, tòa bị “gò bó” bởi việc điều tra của cơ quan điều tra và truy tố của VKS.

. Ông có nhận xét gì về việc chỉ truy tố lái xe mà không đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị khác?

+ Trong vụ này, cơ quan cảnh sát điều tra, VKS và tòa án đã thiếu quan tâm đến trách nhiệm của những đơn vị có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông, đến cơ quan quản lý hố ga. Lẽ ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tìm ra địa chỉ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước từ đó mới chấn chỉnh những vụ tương tự như điện giật, cây ngã, ATM phóng điện gây họa… Phải thay đổi tư duy và cần can đảm đối diện với thực tế để đảm bảo công bằng. Trong trường hợp quy định bất cập thì phải kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

. Xin cảm ơn ông.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới