Vừa lái xe vừa ăn mì: Cách nào xử phạt?

PHẢI CHỜ QUY ĐỊNH MỚI

Chưa quy định, chưa phạt được

Việc tài xế buông vô lăng khi xe đang chạy để ăn mì gói còn nguy hiểm hơn cả việc dùng một tay nghe điện thoại mà Nghị định 46/2016 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) đã quy định. Bởi lẽ tài xế phải dùng nhiều động tác để ăn, thần kinh cũng bị tác động, khiến tài xế thiếu tập trung quan sát và khó điều khiển xe, có thể gây tai nạn giao thông thảm khốc. Tuy nhiên, do hậu quả chưa xảy ra nên chúng ta chỉ có thể xem xét xử phạt hành chính đối với tài xế. Nhưng cái khó là hành vi này lại không được “chỉ mặt đặt tên” trong Nghị định 46/2016 để xử phạt.

Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, nguyên tắc thượng tôn pháp luật phải được tuân thủ, cơ quan chức năng chỉ được áp dụng chế tài với những hành vi mà pháp luật có điều chỉnh. Tôi nghĩ phải bổ sung thêm hành vi này vào Nghị định 46/2016 thì mới có cơ sở xử lý. Pháp luật dù có chặt chẽ đến đâu cũng không thể liệt kê hết các tình huống trong thực tế nên nếu phát sinh thì phải bổ sung.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG,  nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Linh hoạt sẽ dễ tùy tiện

Tôi cũng đồng tình rằng hành vi ăn mì khi lái xe nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi nghe điện thoại khi lái xe nhưng không vì thế mà có thể vận dụng tương tự để xử phạt. Trong hành chính, chúng ta chưa thừa nhận chế định áp dụng tương tự pháp luật để xử phạt mà cần có quy định cụ thể. Điều này cũng lý giải tại sao Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu nguyên tắc chung là “nghiêm cấm các hành vi khác gây nguy hiểm khi lái xe” nhưng CSGT không áp dụng nguyên tắc chung này để xử phạt tài xế buông vô lăng ăn mì vì Nghị định 46/2016 không quy định. Các nhà làm luật e ngại người thực thi công vụ lạm quyền, suy diễn, hiểu sai nên nhất nhất phải liệt kê vì xử phạt vi phạm hành chính cần mô tả chi tiết hành vi. tương ứng với nó là biện pháp chế tài chứ không thể chỉ xây dựng quy định khung mang tính nguyên tắc.

Ngoài ra, trong quan hệ pháp luật nào cũng vậy, từ hình sự, dân sự đến hành chính, thương mại, cơ quan quản lý nhà nước luôn phải áp dụng nguyên tắc suy diễn có lợi cho người vi phạm. Cho nên dù bức xúc, chúng ta vẫn phải bổ sung quy định về hành vi vi phạm thì mới có thể xử phạt tài xế buông vô lăng ăn mì được.

Luật sư LƯU VĂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Hành vi ăn mì khi lái xe nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi nghe điện thoại khi lái xe. (Ảnh cắt từ clip)

Phải được quy định trong nghị định tương ứng

Người ta thường nói “vô luật bất thành tội”, trường hợp này tôi nghĩ đúng.

Việc xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ nguyên tắc tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đó là chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Ngoài ra, theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 81/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính), hành vi vi phạm hành chính phải được quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước tương ứng...

Như vậy, không thể áp dụng tương tự hành vi khác vì sẽ tạo tiền lệ không tốt và rất khó giải quyết hậu quả pháp lý.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,  Đoàn Luật sư TP.HCM

Thiết kế quy định theo hướng mở

Đúng là trong trường hợp này thì không xử phạt tài xế được. Không có căn cứ pháp lý cụ thể thì quyết định xử phạt không hợp pháp và tạo tiền lệ nguy hiểm, có thể bị lạm quyền trong các trường hợp về sau. Pháp luật dân sự có quy định áp dụng tương tự để tòa xét xử nhưng pháp luật hành chính thì không như thế. Bởi lẽ dân sự là vấn đề giữa hai bên đương sự với nhau, tòa ra phán quyết với tư cách trọng tài. Còn trong hành chính, cơ quan chức năng chiếm ưu thế tuyệt đối trước công dân và có quyền quyết định áp dụng biện pháp chế tài mà không cần thương lượng. Do đó nếu thiếu căn cứ pháp lý cụ thể mà vẫn phạt hành chính thì rất dễ lạm quyền.

Từ vụ việc này, tôi nghĩ nhà làm luật nên có kỹ thuật lập pháp về xử phạt hành chính theo hướng mở chứ không nên đóng khung theo kiểu mô tả từng hành vi vi phạm như hiện nay. Cần quy định nhóm hành vi vi phạm theo liệt kê và theo tiêu chí nhất định. Chẳng hạn vì bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ tính mạng của con người… thì các hành vi tương tự hành vi A có thể bị xử phạt như hành vi A. Như vậy mới dự phòng được các tình huống phát sinh trong cuộc sống, đồng thời để tránh lạm quyền thì quy định luôn cấp cao hơn mới có thẩm quyền xử phạt tương tự.

TS LÊ MINH HÙNG,  Trường ĐH Luật TP.HCM

CỨ LINH HOẠT PHẠT

Không thể bó tay!

Dù Nghị định 46/2016 chỉ liệt kê các hành vi bị phạt như lái xe bằng chân, nghe điện thoại khi đang lái xe... nhưng thực tế cho thấy buông vô lăng khi xe đang chạy là cực kỳ nguy hiểm. Để hạn chế nguy hiểm cho người tham gia giao thông, cơ quan hành pháp vẫn có thể áp dụng tương tự trên cơ sở đây là “hành vi khác” bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ 2008.

Chúng ta không thể bó tay ngồi một chỗ chờ có quy định liệt kê từng hành vi vi phạm vì cuộc sống luôn sinh động, muôn hình vạn trạng mà pháp luật khó bao quát hết. Nếu luật đã có nguyên tắc chung thì nên linh hoạt vận dụng nguyên tắc chung để kịp thời xử lý những hành vi nguy hiểm cho xã hội, cũng là cách góp phần nâng cao trách nhiệm và trình độ của người thực thi công vụ. Cứ ngồi chờ có quy định liệt kê cụ thể mới áp dụng thì không sai nhưng quá cầu toàn, không kịp thời ngăn chặn những hành vi sai trái.

Hơn nữa, về kỹ thuật lập pháp, nếu cái gì cũng quy định theo kiểu liệt kê thì không thể vì quá nhiều. Đơn cử như trong lĩnh vực giao thông, người lái xe có thể vi phạm bằng hàng trăm hành vi khác nhau, đều có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nếu liệt kê hết thì chắc không ổn. Tôi nghĩ cơ quan hành pháp nên mạnh dạn linh hoạt và dám chịu trách nhiệm về việc áp dụng pháp luật của mình.

Luật sư NGUYỄN TOÀN THIỆN,  Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm