Theo đó, trong đợt xét công nhận Khu Ramsar vừa qua, Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo thỏa mãn 5 tiêu chí theo công ước Ramsar.
Hiện nay VQG Côn Đảo có trên 1000 loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo, 29 loài thú, 85 loài chim và 46 loài bò sát, ếch nhái… Riêng khu hệ chim của Côn Đảo chưa được nghiên cứu đầy đủ nhưng nhiều nhà khoa học khẳng định, có nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ một nơi nào khác ở Việt Nam như loài Bồ câu nicoba, Chim nhiệt đới, Chim điên mặt xanh...
Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển VQG Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất ở Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000 hécta.
Ngoài ra, đây còn là nơi lý tưởng để tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo và các loài động thực vật, đặc hữu quý hiếm. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu thêm các dự án về biển và các sinh vật biển như công tác bảo tồn rùa biển, phục hồi, nuôi cấy san hô, di dời, khoanh nuôi những loài hải sản quý hiếm.
Theo đại diện Ban Thư ký Công ước Ramsar, năm 1989, Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực ĐNA tham gia công ước Ramsar. VQG Côn Đảo được công nhận là Khu Ramsar thứ 2.203 của thế giới, thứ 6 của Việt Nam sau các Khu Ramsar khác như Giao Thủy- Nam Định, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên- Đồng Nai, hồ Ba Bể - Bắc Cạn, Tràm Chim- Đồng Tháp... Điểm đặc trưng của VQG Côn Đảo là Khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khẳng định: “Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, niềm vinh dự cũng như trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị đặc trưng của khu Ramsar- VQG Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết tâm làm tốt hơn nữa công tác quản lý bảo tồn các giá trị của vùng đất ngập nước này; đồng thời, chúng tôi cũng tha thiết kêu gọi sự chung tay, góp sức, tài trợ, hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, các Tổ chức quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong cả nước và nước ngoài đối với Côn Đảo để xây dựng Côn Đảo thực sự là hòn đảo ngọc như chủ trương của Chính phủ, nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và cả nước nói chung”.
Cũng theo ông Niên, để làm tốt những điều kể trên cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế quản lý; củng cố bộ máy quản lý; đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, điều tra về đa dạng sinh học; triển khai đầu tư cho Côn Đảo và VQG Côn Đảo…
Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay và trong tương lai; công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của vùng đất ngập nước.
Công ước được thông qua ngày 2-2-1971 tại thành phố Ramsar, Iran.