Trang The Australian (Úc) cho biết tỉ lệ từ chối visa du học tại nước này ngày càng cao. Được ví là “khắc nghiệt” hơn cả Anh, Úc hay Ấn Độ… việc xin visa đi du học tại Mỹ cũng là bài toán khó. Các chuyên gia tư vấn du học đều nhận định không ai có khả năng đảm bảo rằng có thể xin được 100% visa du học Mỹ.
Thật sự am hiểu, đam mê về ngành học
Một trong những câu hỏi rất thường gặp khi phỏng vấn chính là “Tại sao chọn ngành học/trường học này?”. Với dạng này, ứng viên buộc phải tìm hiểu thật kỹ và nắm thật chắc thông tin về ưu điểm của ngành học, mức học phí, chuẩn đầu ra, định hướng nghề nghiệp liên quan… thông qua các kênh thông tin hữu ích: 1. Các trang web chính thức của trường; 2. Thông tin từ các diễn đàn du học sinh; và 3. Chia sẻ từ những anh/chị hiện đang học ngành/trường giống hoặc tương tự mình.
Tuy nhiên, chỉ hiểu không thì vẫn chưa đủ. Cần làm nổi bật “tính phù hợp” của bản thân với ngành học thông qua việc so sánh, lập luận sự phù hợp và tương đồng giữa những thông tin đã tìm hiểu ở trên đối với điều kiện tài chính gia đình, ngoại ngữ, năng lực, sở thích bản thân và kế hoạch sau khi du học.
Việc am hiểu chi tiết ngành học để thuyết phục người phỏng vấn nhiều hơn, ứng viên nên trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất về lợi thế so sánh: Những thế mạnh, điểm khác biệt, chất lượng, bằng cấp, môi trường giáo dục, những cái lợi mà ứng viên có được khi học ở quốc gia đó, thay vì học ở Việt Nam hay một quốc gia khác.
Điểm quan trọng mà ít ứng viên quan tâm chính là thể hiện được “đam mê” của mình đối với ngành học. Hãy bắt đầu bằng những câu chuyện thật giản dị, gần gũi và có thật về bản thân, gia đình, thần tượng nổi tiếng trong ngành, những ước mơ bản thân để chứng minh “tôi thật sự cần được đến đất nước đó để du học và thực hiện ước mơ”.
Chuẩn bị đầy đủ thông tin về kế hoạch học tập, thể hiện đam mê với ngành và khát vọng trở về nước sau khi học là “chìa khóa” quan trọng giúp ứng viên đạt visa du học.
Trình bày rõ ràng kế hoạch học tập
Việc cấp visa còn dựa trên sự nghiêm túc của ứng viên, được đánh giá rất nhiều ở phần kế hoạch học tập trong dài hạn. Muốn thế, ứng viên cần chuẩn bị chu đáo và rõ ràng địa chỉ nơi ở để chứng tỏ bạn không “mờ ám” trong vấn đề cư trú. Kèm theo đó, chuẩn bị kỹ và chi tiết khả năng tài chính của cá nhân (nếu học bổng thì mang theo giấy xác nhận của trường/tổ chức cấp học bổng; nếu tự túc du học thì kê khai chứng minh tài chính, kèm theo nơi làm việc, chức vụ của cha mẹ/người tài trợ).
Một trong những cách hiệu quả để thuyết phục nhân viên thị thực trước khi phỏng vấn về chỗ ở chính là nhờ người bảo lãnh (chẳng hạn như giáo sư, đại diện của trường học…) thì du học sinh có thể được Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp giấy “chứng nhận đủ tư cách tạm trú”. Sau đó mới làm đơn xin visa.
Song song kế hoạch “an cư” thì ứng viên cần chú trọng đến quá trình học tập. Trong đó, nên chuẩn bị một kế hoạch phát triển bản thân (thời gian, mục tiêu học tập, các công việc và dự án dự kiến thực hiện, người hướng dẫn và hỗ trợ là ai, kế hoạch thực tập ra sao…) nhằm chứng minh thời gian bạn đang lưu trú tại nước ngoài, hoạt động của bạn đúng với nguyện vọng, dự tính của bạn. Không có bất kỳ khoảng thời gian nào mập mờ về hành động bản thân.
Chứng minh: “Tôi sẽ về Việt Nam”
Vấn đề phổ biến khiến ứng viên bị từ chối visa là không chứng minh được họ sẽ về Việt Nam sau khi kết thúc khóa học. Theo ông Trần Doãn Dụ, Phó Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam, cho biết theo yêu cầu của luật pháp Mỹ, các viên chức thực hiện phỏng vấn đương đơn xin visa buộc phải giả định những người xin visa không định cư đều có mục đích định cư. Vậy nên nhiệm vụ của các ứng viên là phải chứng minh một cách thuyết phục rằng họ không muốn định cư.
Đặc biệt, với các nước có thủ tục đăng ký visa đơn giản (qua Internet) như Mỹ, việc nghiên cứu khả năng quay về của du học sinh càng khó do thiếu thông tin, việc đánh giá chủ yếu qua thái độ và cách trình bày khi phỏng vấn thì việc dễ dàng đánh rớt ứng viên một cách khó hiểu là điều không phải hiếm.
Để nhân viên thị thực tin rằng bạn sẽ về Việt Nam sau khi tốt nghiệp, hãy trình bày một cách chi tiết, hào hứng và logic về: 1. Sự ràng buộc của bạn ở Việt Nam gồm: Quan hệ khắng khít với gia đình, ước nguyện của cha mẹ/người thân, kế hoạch làm việc đầy hứa hẹn đã được lên kế hoạch ở Việt Nam, cơ sở kinh tế gia đình, tài sản thụ hưởng…; 2. Khả năng tự đảm bảo tài chính mà không cần làm việc phi pháp. Nếu ứng viên có ý định hoạt động “ngoài mục đích học tập” như đi làm thêm, thực tập cho doanh nghiệp nước sở tại… thì nhất thiết phải chú ý đến luật quy định. Có sinh viên sau khi trình bày kế hoạch làm thêm thì bị đánh rớt vì tỏ ra “ham kiếm tiền”, không hiểu quy định làm thêm cho sinh viên nước ngoài khi du học; 3. Nếu không có ai quen biết thân thiết ở Mỹ, hãy nhấn mạnh điều ấy. Đồng thời chỉ ra những bất lợi, khó khăn khi ở lại nước ngoài so với trở về nước.
HOÀNG HẢI, du học sinh Nhật
Phải thoải mái tâm lý khi phỏng vấn Nhiều trường hợp ứng viên bị từ chối visa vì trình bày không rõ ràng, không khớp với hồ sơ khai, hoặc thiếu tự tin, nói nhỏ… Dù chuẩn bị rất kỹ về thủ tục lẫn thông tin nhưng vì tâm lý chưa sẵn sàng nên không thuyết phục được cán bộ thị thực. |