WHO: “Nguy cơ lây nhiễm Ebola vào Việt Nam không cao“

Ông Masaya Kato cho biết như trên tại buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Ebola do Bộ Y tế tổ chức, sáng nay (12-8).


 Không được tiếp xúc trực tiếp với người bệnh Ebola.

Chỉ lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần

Ông Masaya Kato lý giải bệnh Ebola chỉ lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp từ người sang người qua máu, các chất bài tiết, cơ quan hay dịch tiết cơ thể của người hay động vật nhiễm bệnh hoặc tử vong do virus Ebola.

Bệnh cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi các chất tiết của người nhiễm virus, như quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng. Cũng có thể lây qua sữa mẹ hoặc tinh dịch của người mắc Ebola.

Minh chứng thêm, ông Masaya Kato, cho rằng công tác chuẩn bị ở Việt Nam khá tốt, đưa ra hướng dẫn đầy đủ cho người dân, đồng thời Việt Nam cũng chưa ghi nhận ca bệnh vì vậy nguy cơ dịch bệnh vào Việt Nam là không cao.

Việt Nam chủ động, tích cực thông tin nhưng cũng tránh gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Đối với những người đi du lịch thì WHO cũng không cấm mà chỉ hạn chế đi đến những nước có dịch. Tuy nhiên, cung cấp thông tin đầy đủ cho họ để họ biết cách phòng chống.

Theo WHO, nguy cơ một người đi du lịch hoặc làm ăn bị nhiễm virus Ebola trong thời gian lưu lại vùng bị ảnh hưởng, và mắc bệnh sau khi trở về là vô cùng thấp, kể cả nếu trong thời gian đó họ có đến những địa phương nơi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận. “Nếu bạn đi thăm gia đình hoặc bạn bè ở những khu vực bị ảnh hưởng, nguy cơ cũng thấp tương tự như vậy, trừ phi bạn có tiếp xúc trực tiếp với cơ thể một người mắc bệnh hoặc chết do virus Ebola” – WHO cho biết.

Chưa có vaccine phòng bệnh

Theo WHO, nam giới đã khỏi bệnh vẫn có thể lây truyền virus qua tinh dịch trong 7 tuần sau khi bình phục. Vì thế, điều quan trọng là sau khi bình phục họ cần tránh quan hệ tình dục trong ít nhất là 7 tuần, hoặc phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục trong thời gian 7 tuần sau khi bình phục.

Những người đã từng ở những nơi có dịch bệnh do virus Ebola, hay từng tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Ebola, xuất hiện các triệu chứng bệnh đột ngột, vô cùng mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, nôn, ỉa chảy, phát ban, suy giảm chức năng thận, gan, và ở một số trường hợp có xuất huyết nội và ngoại cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị.

WHO khuyến cáo gia đình hay cộng đồng không tự chăm sóc cho bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh do vi rút Ebola tại nhà. Tốt nhất là hãy đưa người bệnh đến bệnh viện hay trung tâm y tế có các bác sĩ, y tá có chuyên môn và đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola

Liên quan đến vaccine phòng bệnh do virus Ebola đến năm 2015 sẽ có, đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, chưa có vaccine điều trị đặc hiệu cho virus Ebola. Hiện chỉ chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ, bù nước, điện giải. “Hiện chưa có vaccine vì khi sản xuất được vaccine thì phải thử phản ứng lâm sàng, được phép của các cơ quan chức năng mới được áp dụng lên người. Do vậy mặc dù cả thế giới đều hết sức nỗ lực, chúng ta cũng hy vọng rằng sẽ sớm có vaccine này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác về thời gian”- ông Masaya Kato nói.

Theo Bộ Y tế, hiện đã có hơn 1.800 người mắc virus Ebola, trong đó hơn 1.000 người đã tử vong. Các quốc gia châu Á vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào mắc.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới