Bêu tên thí sinh thi gian lận không phải việc của Bộ Giáo dục

Ngày 26-3, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I, Bộ GD&ĐT đã có những trả lời chính thức về việc sao chép ý tưởng trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, các vấn đề liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 cũng như các kế hoạch cho chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD & ĐT tại cuộc họp báo. Ảnh: H.P 

Quy trình chấm thi hợp lý, chính xác

Về ý kiến của phụ huynh việc các công trình đạt giải thưởng trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (VISEF) là sao chép, Bộ GD&ĐT đã có công văn trả lời nhưng phụ huynh không phục kết quả chấm thẩm định này của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, khẳng định quy chế thi dựa vào Thông tư 38 và Thông tư 32 sửa đổi một số điều của Thông tư 38. Quá trình tổ chức chấm thi đã đảm bảo đúng quy chế.

Ông Thành chia sẻ thêm, ở cuộc thi này, Ban giám khảo là các nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên, thuộc các chuyên ngành phù hợp với các lĩnh vực dự thi.

Ban giám khảo cũng đã chấm thi hết sức chặt chẽ, đúng quy chế. Theo đó, quy chế chấm thi mỗi nhóm lĩnh vực có từ 8 đến 12 giám khảo.

Các giám khảo bắt thăm chọn dự án chấm. Mỗi một dự án được chấm hai phần. Tổng là 100 điểm. Phần 1, chấm trên báo cáo tóm tắt với thang điểm tối đa là 45. Phần II thang điểm 55 điểm bao gồm cả phỏng vấn thí sinh. Cũng theo ông Thành, mỗi một giám khảo chấm độc lập và điểm được tính trung bình. Nếu như điểm giám khảo nào chênh lệch so với điểm trung bình vượt quá 20% thì điểm đó bị loại.

Như vậy, một dự án của học sinh sẽ có khoảng từ 8 đến 10 giám khảo chấm và cho điểm. Các giám khảo là những nhà khoa học chuyên ngành. Việc chấm thi của cuộc thi khoa học kỹ thuật là chấm quá trình nghiên cứu của học sinh, không phải chấm kết quả sau cùng.

“Kết quả sau cùng chỉ là phương tiện, kết quả đạt được. Quá trình chấm có 3 tiêu chí rõ ràng, đó là mục tiêu, thiết kế phương án giải quyết vấn đề và về thực thi phương án ấy”, ông Thành cho biết.

Ông Thành còn cho rằng: Khi phụ huynh chưa bằng lòng với kết quả để đảm bảo quyền lợi của thí sinh cũng như tính công khai minh bạch của cuộc thi, Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng chấm thẩm định.

Cụ thể có hai tiểu ban, mỗi tiểu ban có 5 người gồm các nhà khoa học có học vị giáo sư, phó giáo sư.

“Đây không phải chấm phúc tra mà là chấm thẩm định như thẩm định một đề tài khoa học hay như một luận án tiến sĩ. Kết quả thẩm định cho ra kết quả phù hợp với kết quả đánh giá ban đầu của cuộc thi”, ông Thành khẳng định.

Công bố gian lận thi cử không phải việc của Bộ GD&ĐT

Tại cuộc họp báo, nhiều vấn đề liên quan đến tiến độ của chương trình GDPT mới, nhiều vấn đề như biên soạn sách giáo khoa, đào tạo đội ngũ giáo viên… được nhiều phóng viên đặt câu hỏi.

Một điểm thi. (Ảnh minh họa)

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết, đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT trong quý II năm 2019.

Để triển khai các công tác về chương trình SGK mới, Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức biên soạn 1 bộ SGK mới; hướng dẫn lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường; hướng dẫn biên soạn và thực hiện tài liệu giáo dục của địa phương; hướng dẫn lựa chọn sách triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục triển khai chương trình mới. Đồng thời, Bộ GD & ĐT rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thực hiện chương trình GDPT, SGK mới; hướng dẫn các địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất (CSVC), thiết bị thực hiện chương trình GDPT, SGK mới.

Tại buổi họp, trước một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc kết quả chấm thẩm định bài thi của Hòa Bình và Sơn La và vấn đề có công bố danh tính của các thí sinh và phụ huynh có vi phạm hay không, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, những gì mà Bộ GD&ĐT đã hứa trong xử lý gian lận thi cử tại Hòa Binh, Sơn La đã thực hiện được.

Kết quả điều tra cho thấy đã phát hiện 44 thí sinh tại cụm thi Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây. Tại cụm thi Hòa Bình phát hiện 64 thí sinh, trong đó có 63 người năm 2018 và một người năm 2017 có sự thay đổi, điểm chấm thẩm định giảm so với điểm công bố.

Căn cứ kết quả thông báo của Bộ Công an, Bộ GD&ĐT đã thông tin tới các Sở GD& ĐT Hòa Bình, Sơn La yêu cầu cập nhật kết quả thi sau khi chấm thẩm định, xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2017, 2018 cho các thí sinh liên quan; thông báo kết quả cho các thí sinh và các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ, trung cấp có nhóm ngành đào tạo giáo viên có liên quan.

Về vấn đề có hay không nên việc bêu tên những thí sinh gian lận, ông Mai Văn Trinh - Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, về quan điểm chỉ đạo, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an từ trước đến nay vẫn luôn là kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm.

Theo ông Trinh, những gì đã làm trong 8 tháng vừa qua chính là minh chứng. “Để có kết quả như hôm nay đều là sự cố gắng rất lớn và tuân thủ các quy định, do đó việc xử lý kết quả cũng sẽ theo quy định này” - ông Trinh nhấn mạnh.

Về quan điểm, có công bố danh tính thí sinh, phụ huynh gian lận hay không, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng việc công khai danh tính của các thí sinh phải tuân thủ hiến pháp 2013 và luật dân sự 2016. Do Bộ Công an vẫn đang tiếp tục điều tra nên việc công bố ai sai phạm, sai đến đâu và công bố lúc nào là công việc của cơ quan điều tra.

“Chúng ta nên tính đến nhiều vấn đề liên quan như tác động công tác điều tra, các tác động đến tâm lý của các em học sinh… mà cân nhắc”, ông Trinh nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm