Năm nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2019-2020

Sáng 6-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết năm học 2018-2019 đánh dấu năm năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Cũng theo ông Nhạ, trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đơn cử như tại tỉnh Hà Giang năm học vừa qua đã đảm bảo dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc ít người. Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục ưu tiên mở lớp mầm non năm tuổi tại các điểm trường lẻ khó khăn, dạy tiếng Việt cho trẻ năm tuổi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến ngành giáo dục sáng 6-8. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Tại Cần Thơ, trong hai năm triển khai mô hình trường điển hình đổi mới, số trường đạt chuẩn quốc gia đạt  306/461 (tỉ lệ 66,38%). Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT TP Cần Thơ được bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng cờ thi đua vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”.

Tại TP.HCM, năm học vừa qua có 204.362 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi. Có 618 học sinh đạt các giải thưởng cao trong cuộc thi cấp quốc tế, quốc gia và TP. Nổi bật có bốn em học sinh Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) đọat giải đồng đội chương trình sáng tạo cuộc thi Khoa học ứng dụng quốc tế; 119 em đạt học giỏi cấp quốc gia; 49 em đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cũng cho rằng ngành giáo dục đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, khiến dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Do đó, bộ trưởng cho rằng để khắc phục tồn tại, đồng thời tạo sự chuyển biến, ngành giáo dục cần thực hiện tốt năm nhóm nhiệm vụ trọng tâm sau: Thứ nhất là quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học. Hai là giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ba là đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Bốn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế. Và cuối cùng là đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm