Cố tình nâng điểm
Không chỉ hai ngành trên mà nhiều ngành khác của trường này dù có điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển, như ngành sư phạm sinh học (18,5 điểm), quản lý đất đai (20,8 điểm).
Điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Đồng Nai. Ảnh chụp màn hình
Bên cạnh đó, các ngành sư phạm hệ cao đẳng của trường cũng không có thí sinh nào, trừ ngành giáo dục mầm non và ngành giáo dục tiểu học, sư phạm tiếng Anh. Các ngành còn lại có điểm chuẩn rất cao: Sư phạm toán học (19 đểm), sư phạm hóa học 19,5 điểm, sư phạm ngữ văn 19,8 điểm và hai ngành có điểm chuẩn trên 16 nhưng không có thí sinh nào.
PGS Lê Kính Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Đồng Nai, cho hay trong lần lọc ảo cuối cùng của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường chỉ ở mức sàn. Nhưng với mức điểm đó, chỉ có một số ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều. Trong khi đó, các ngành như sư phạm vật lý, sư phạm lịch sử, sư phạm tin học chỉ có 1,2 thí sinh trúng tuyển. Do số lượng thí sinh quá ít, không thể mở lớp sẽ gây thiệt thòi cho thí sinh, trong khi trường không có số điện thoại để liên hệ trực tiếp cho các em. Vì thế, hội đồng tuyển sinh trường thống nhất đẩy điểm chuẩn các ngành này lên để các em không trúng tuyển, như thế các em sẽ rớt xuống nguyện vọng khác, còn có cơ hội vào ĐH.
“Chúng tôi bất đắc dĩ mới phải làm như thế vì hiện tại trường chưa tìm được giải pháp nào khả thi hơn. Hy vọng Bộ GD&ĐT sẽ có biện pháp để giải quyết những trường hợp này” - ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng cho biết tình trạng khó khăn trong việc tuyển sinh đối với trường đã diễn ra nhiều năm nay. Nếu như năm 2018, riêng bậc đại học có hai ngành không tuyển được thí sinh thì năm 2019 là bốn ngành. Dù có thông báo tuyển bổ sung cũng không thể tuyển thêm được thí sinh nào.
Tình trạng này cũng đã diễn ra tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai năm 2018. Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai đã nâng điểm chuẩn ngành sư phạm ngữ văn lên 23 điểm để... loại thí sinh duy nhất trúng tuyển.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cho hay những ngành như sư phạm ngữ văn, sư phạm hóa học, sư phạm lịch sử, sư phạm tiếng Anh thí sinh đăng ký rất ít. Do đó, cơ hội mở đủ lớp cho những đợt tuyển sinh tiếp theo để đủ số lượng thí sinh hầu như không có. Nhà trường bất đắc dĩ phải quyết định đưa ra mức điểm chuẩn cao hơn điểm thi của thí sinh để loại các em. Làm như thế các em sẽ có cơ hội trúng tuyển vào các ngành hoặc trường khác ở nguyện vọng 2, 3 trong đợt xét tuyển lần 1.
Nhiều ngành vắng bóng thí sinh
Tại Trường Đại học Phú Yên, các ngành đào tạo sư phạm của trường đều ở mức trúng tuyển ngang với điểm sàn 18 điểm, bảy ngành còn lại lấy điểm chuẩn 14 điểm.
Hiện nay, tổng số thí sinh trúng tuyển theo kết quả thi THPT là 76 em. Trong đó, tập trung nhiều ở ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, công nghệ thông tin. Trong khi đó, sư phạm toán học chỉ có hai thí sinh, sư phạm lịch sử chỉ có một thí sinh, sư phạm tiếng Anh có ba thí sinh. Thậm chí có những ngành không có thí sinh nào trúng tuyển như sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn.
Trường Đại học Phạm Văn Đồng, tỉnh Quảng Ngãi cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Các ngành đào tạo cao đẳng:
Bảng điểm chuẩn năm 2019 của trường để trống ở hai ngành sư phạm tin học, sư phạm vật lý vì không có thí sinh tham gia xét tuyển. Tương tự, bảy ngành đào tạo sư phạm thuộc hệ cao đẳng của trường không có thí sinh tham gia xét tuyển nên không có điểm chuẩn như giáo dục thể chất, sư phạm tin học, sư phạm vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm lịch sử, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật.
Danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1 dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia, chỉ có 77 thí sinh. Trong đó, ngành giáo dục mầm non (14 thí sinh), giáo dục tiểu học (16 thí sinh), công nghệ thông tin (12 thí sinh), sư phạm toán học (hai thí sinh), sư phạm hóa học (một thí sinh), sư phạm ngữ văn (hai thí sinh), sư phạm địa lý (hai thí sinh), sư phạm tiếng Anh (8 thí sinh), ngôn ngữ Anh (sáu thí sinh), kinh tế phát triển (một thí sinh), sinh học ứng dụng (một thí sinh), công nghệ kỹ thuật cơ khí (năm thí sinh), kỹ thuật cơ điện tử (ba thí sinh), kỹ thuật điện tử - viễn thông (hai thí sinh).
Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 với 1.215 chỉ tiêu, trong đó trình độ đại học là 505 chỉ tiêu, trình độ cao đẳng – nhóm ngành đào tạo giáo viên là 464 chỉ tiêu.