Tự chủ đại học: Chưa chuyển biến đáng kể do nhiều vướng mắc

Tiếp nối thành công chuỗi hội thảo giáo dục được tổ chức hằng năm, ngày 27-11, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020 với chủ đề “Tự chủ trong giáo dục đại học (GDĐH) - từ chính sách đến thực tiễn.
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai tự chủ trong GDĐH, nhất là từ sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành và có hiệu lực thi hành từ tháng 7-2019. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất các ý tưởng, giải pháp thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, tạo điều kiện cho GDĐH phát triển.
Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ
Tham luận tại hội thảo, bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, đánh giá hiện nay hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và thống nhất khiến một số quy định về tự chủ ĐH của Luật GDĐH có nguy cơ bị vô hiệu hóa, không thi hành được trên thực tế. 
Với những quy định thông thoáng tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tự chủ ĐH của các cơ sở GDĐH, Luật GDĐH kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy thúc đẩy tự chủ ĐH trên diện rộng. Tuy nhiên, vì chưa có sự đồng bộ giữa các quy định của Luật GDĐH mới được sửa đổi với các luật khác có liên quan nên các quy định pháp luật về tự chủ ĐH vẫn chưa thể phát huy tác dụng, đặc biệt khi thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. 

Cụ thể, quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự được Luật GDĐH (sửa đổi) trao thẩm quyền khá rộng cho cơ sở GDĐH trong việc quyết định cơ cấu lao động tổng thể cũng như về từng vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự trong trường.

Đại diện các trường đại học tư thục chia sẻ những khó khăn của tự chủ đại học. Ảnh: H. Phượng 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề xuất, kiến nghị: Quốc hội cần quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ ĐH.

Ông Sơn cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật GDĐH và Nghị định 99, chẳng hạn như cơ chế tài chính, đặt hàng đào tạo, khoa học và công nghệ, quản lý tài sản công, tuyển dụng người nước ngoài.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở GDĐH công lập, đa số nhân sự trong trường là viên chức, phải tuân thủ các quy định của Luật Viên chức hiện hành (có hiệu lực từ 1-7-2020). Vì thế, thủ tục tuyển dụng, quản lý và sử dụng viên chức trong trường ĐH công lập không thể vượt ra ngoài quy định của Luật Viên chức. Với tư cách là viên chức, lương và phụ cấp của giảng viên hiện nay được thực hiện theo chức danh nghề nghiệp và thang, bậc lương tương ứng (như các chức danh nghề nghiệp viên chức khác). 
“Vì thế, liệu cơ sở GDĐH với quyền tự chủ về nhân sự có thể “vượt rào” để thu hút người tài cho công tác đào tạo và nghiên cứu như ở các nước có nền GDĐH tiên tiến?” - bà Lan Anh đặt câu hỏi.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội lo lắng: Khi tự chủ ĐH ồ ạt dễ có nguy cơ gia tăng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường có cùng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo do muốn thu hút người học, hạ giá dịch vụ đào tạo lại dẫn tới giảm chất lượng đào tạo hay sử dụng quá công năng của cơ sở đào tạo về nhân lực và cơ sở vật chất…
“Không có tự chủ ĐH sẽ không có những trường ĐH mạnh”
Nhìn từ sự việc của Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa qua, ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tham luận: Tự chủ ĐH là con đường bắt buộc của các cơ sở GDĐH hiện nay.
“Tự chủ gần như là đường một chiều, là con đường chúng ta phải đi. Không có tự chủ ĐH sẽ không có những trường ĐH mạnh” - ông Viên nói.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là cho đến nay, dù tự chủ ĐH đã được thừa nhận và thúc đẩy gần 30 năm nhưng dường như chưa thực sự tạo ra những chuyển biến đáng kể về chất lượng đào tạo, quản trị và nghiên cứu khoa học so với tiềm năng của các cơ sở giáo dục và so với mong đợi của xã hội.
Trong quá trình vận hành tự chủ ĐH, người ta thấy phản ứng của các trường ĐH với “cơ chế chủ quản” có thể chia làm hai nhóm: Một là chưa muốn từ bỏ cơ quan chủ quản, chưa muốn thoát ra khỏi cơ chế cũ, phát triển tuy có chậm nhưng “lành” và an toàn; hai là đón nhận cơ chế tự chủ ĐH như đón một luồng sinh khí mới, làm được nhiều việc tốt nhưng cũng đòi hỏi cơ quan chủ quản trả lại các quyền tự chủ đã được luật định để họ có thể phát huy cao nhất các lợi thế do tự chủ ĐH mang lại, đưa trường ĐH lên tầm cao mới về quản trị và chất lượng. Một số ít trường thuộc loại này thường có khúc mắc và đôi khi là xung đột về tự chủ ĐH với cơ quan chủ quản.
Theo ông Viên, tình trạng số đông vẫn muốn duy trì lề thói tuân thủ quản lý từ trên xuống và hiện tượng một vài xung đột giữa cơ quan chủ quản với trường trực thuộc thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về việc “cái áo” của cơ chế chủ quản cũ đã chật hẹp, cần phải giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản và trường trực thuộc một cách căn cơ, bài bản, khoa học để từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản theo tinh thần của Nghị quyết 14/2005. 
Cũng theo lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng cơ quan chủ quản chưa muốn “buông” trường trực thuộc, trong đó do quan niệm xã hội về tự chủ là rất lớn.•

Tự chủ ĐH không phải là tự lo, tự túc 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng quan niệm tự chủ chính là tự lo, tự túc đang làm sai lệch quan niệm về tự chủ ĐH.

“10 năm trước, nếu cứ nói đến tự chủ người ta sẽ nghĩ ngay đến việc cơ sở giáo dục sẽ phải tự túc kinh phí, tự thu tự chi. Hiện nay tư tưởng này vẫn còn trong một bộ phận viên chức. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho mọi người phải hiểu tự chủ là Nhà nước vẫn hỗ trợ, vẫn phải chịu sự quản lý của Nhà nước ở mặt pháp luật” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm