Cuộc họp của Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP.HCM chiều 12-3, đã có những chỉ đạo đáng chú ý về ổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Thường trực các quận ủy, huyện ủy trên địa bàn TP.HCM.
Quyết liệt chống dịch ngay từ đầu
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã có báo cáo cụ thể về tình hình chống dịch COVID-19. Theo đó, từ khi dịch bệnh bùng phát, ở TP.HCM, các ngành, các cấp đã thực hiện quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Đến nay, TP.HCM có bốn trường hợp mắc bệnh đều là những trường hợp xâm nhập từ bên ngoài, chưa ghi nhận trường hợp lây lan trong cộng đồng, có ba trường hợp được điều trị khỏi.
Ban Thường trực Thành ủy và Ban thường trực UBND TP tham gia Hội nghị trực tuyến. Các đại biểu tham dự đều mang khẩu trang. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM
Để đạt được kết quả đó, HĐND, UBND, MTTQ TP, các tổ chức, đoàn thể chính trị TP đã tích cực triển khai các hoạt động giám sát cộng đồng về phòng chống, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện đa dạng, đồng bộ, liên tục, giúp người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn về nguy cơ nhiễm bệnh… Công tác quản lý, giám sát, cách ly người từ vùng dịch về được triển khai quyết liệt, khoanh vùng dập dịch. Công tác điều trị được triển khai hiệu quả, nhân viên y tế có biện pháp phòng hộ cá nhân tốt, chưa phát hiện các ca nghi ngờ nào của nhân viên y tế.
Ông Liêm cho rằng khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống dịch là hoạt động giao thương, đi lại nhiều giữa TP và các nước, giữa TP và các tỉnh, thành, dẫn đến nguy cơ xâm nhập từ vùng dịch, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới đã nâng mức cảnh báo thành đại dịch quy mô toàn cầu.
“Dân số và mật độ dân cư của TP cao là nguy cơ tạo điều kiện lây lan trong cộng đồng, số lượng và mật độ học sinh trong các cơ sở giáo dục cao nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn. Lực lượng học sinh, người lao động và dân nhập cư từ các tỉnh, thành đến làm việc, học tập, sinh sống tại TP rất lớn. Nhiều nguồn lao động, chuyên gia, nhà quản lý, nhà đầu tư nước ngoài làm việc tại TP, khả năng kiểm dịch, xâm nhập từ nơi có dịch rất khó khăn. Đặc điểm dịch tễ COVID-19, người nhiễm bệnh có thể không có đầy đủ các triệu chứng, thời gian ủ bệnh kéo dài nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác, đặc biệt nguy cơ phát thành dịch nếu không phát hiện, giám sát kịp thời…” - ông nhìn nhận.
Cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP.HCM vào chiều 12-3. Ảnh: THANH TUYỀN
Ông Liêm cũng cho biết những ngày qua, khi xuất hiện thông tin nước ta có ca nhiễm thứ 17 thì toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch của TP đã tích cực vào cuộc. Trong 24 giờ đã xác định được những người trên chuyến bay đi cùng bệnh nhân số 17 đang vào TP và những người ngồi trên các ghế của bệnh nhân ở các chuyến bay sau để quản lý, cách ly, giám sát và chăm sóc sức khỏe theo quy định. Đồng thời, TP tiến hành khử khuẩn đối với các cơ sở lưu trú đã tiếp nhận số hành khách này đến TP.HCM, thực hiện giám sát sức khỏe các nhân viên có tiếp xúc với các hành khách này.
Đến nay, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đã được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, diễn biến của dịch bệnh thế giới vẫn còn nhiều phức tạp, các quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, đặc biệt là các nước châu Âu hiện có số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng rất cao, nhiều người đến hay đi qua các nước rồi về TP để hội thảo, hội nghị, du lịch sẽ là nguồn nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp, triển khai thực hiện Chỉ thị 26 ngày 12-3 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
TP sẽ tăng cường truyền thông, vận động xã hội để mọi người tự đánh giá mức độ nguy cơ, tự ý thức bảo vệ sức khỏe cá nhân. Giải pháp quan trọng là giám sát tất cả trường hợp vào TP đến từ vùng dịch. Các bệnh viện điều trị đúng theo phác đồ của Bộ Y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Nhân viên y tế không làm quá 12 giờ/ngày Các cấp phải dốc toàn lực cho công tác phòng, chống dịch. Phát huy hiệu quả phương châm năm tại chỗ, hết sức chủ động, bình tĩnh ứng phó mọi tình huống. Sở Y tế TP phải đảm bảo đội ngũ cán bộ y tế không bị nhiễm bệnh, phải đảm bảo sức khỏe cho bác sĩ, nhân viên y tế và không để họ làm việc quá 12 giờ/ngày... Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG |
Muốn giữ TP êm, phải đảm bảo không quá 1.000 ca
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phòng dịch COVID-19.
Bí thư Nhân đặt câu hỏi: TP.HCM có cần phải làm kỹ, có cần phải đi trước trong công tác chống dịch hay không? Bí thư Nhân cho rằng việc tính toán trước bài toán để kịp thời ngăn chặn, phát hiện rồi cách ly, không để cho số ca nhiễm tăng lên là đúng. Ông cũng nhấn mạnh: Bằng mọi cách không thể để số ca nhiễm tăng đến con số 100, 1.000 rồi 10.000 ca như các nước khác, vì hiện không thể đáp ứng được số giường bệnh.
Lãnh đạo Thành ủy và UBND tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm báo chí
Ông Nhân nhấn mạnh vai trò của các quận, huyện trong công tác chống dịch. Nếu phát hiện, có nghi ngờ thì phải đưa đi cách ly ngay, còn sốt thì phải đưa vào bệnh viện. “Có đủ phương tiện thì có thể chữa tốt, chúng ta chưa có người chết nhưng khi số lượng lớn thì không thể nói được gì. Ngăn chặn số lượng tăng là rất quan trọng. Muốn giữ TP êm thì phải đảm bảo người nhiễm không quá 1.000 ca” - ông nói.
Bí thư Nhân cũng yêu cầu các cán bộ, công chức quận, huyện, TP phải đảm bảo không trở thành nguồn lây nhiễm và lây lại cho người khác. “Lãnh đạo nhà nước, trách nhiệm tự bảo vệ là vô cùng quan trọng. Nếu xảy ra thì cơ quan đó không hoạt động được. Bí thư, chủ tịch, chánh văn phòng các quận, huyện làm ơn đừng để bị nhiễm. Phải bảo vệ cho mình vì các đồng chí đang làm cho hệ thống chính trị, không được để hệ thống chính trị đóng cửa” - ông nhấn mạnh.
Bí thư cũng yêu cầu tăng cường trang thiết bị y tế để có thể chữa trị tốt hơn cho người nhiễm. UBND TP và Sở Y tế đã có họp và tính toán tăng thêm số giường bệnh trong thời gian tới. Theo đó, đến tháng 5, TP.HCM sẽ có 24.000 chỗ cách ly.
Bí thư Nhân cũng phân tích: Hiện số bác sĩ chuyên về lĩnh vực truyền nhiễm chỉ có 349 người. Trung bình mỗi người chăm sóc năm ca bệnh. Nếu tình hình người nhiễm tăng cao sẽ không đủ bác sĩ để chăm sóc cho bệnh nhân.
Ông Nhân cũng đặt vấn đề: Ngành y tế, từng bệnh viện sẽ mời thêm các bác sĩ không chuyên về truyền nhiễm để bồi dưỡng thêm, học tại chỗ để có thể tham gia chữa bệnh, tránh quá tải. “Không có phương án nào khác, không đủ bác sĩ thì phải tái cơ cấu tại chỗ, huấn luyện tại chỗ” - ông nói và cho biết Sở Y tế cũng đang thực hiện việc này.
Quận 1 đề xuất tạm ngưng hoạt động các quán bar, vũ trường Tại hội nghị, bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1 (TP.HCM), đã đề xuất tạm ngưng hoạt động 180 vũ trường, bar, beer club; gần 500 quán karaoke để hạn chế lây lan dịch COVID-19. Theo bà Yến, các cơ sở này tập trung đông người, dễ lây lan dịch bệnh, chỉ nên hoạt động trở lại khi hết dịch. Địa bàn quận 1 hiện có nhiều cơ sở lưu trú du lịch tập trung. Hiện mỗi ngày có khoảng 3.000 người tạm trú. Trong tháng 2 lên đến 183.000 người, nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cũng kiến nghị TP chỉ đạo tạm ngừng các hoạt động vui chơi, giải trí để không cho dịch bệnh lây lan. Về nội dung trên, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân giao Sở Y tế, Sở Công Thương đi khảo sát thực tế và báo cáo cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày 15-3. “Phải làm tới mức nào để an toàn mà không quá xâm phạm đến việc kinh doanh của người ta. Nhưng cũng không thể để những nơi đó trở thành nguồn lây nhiễm cho cả TP” - ông nói. |