Sáng 12-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân nhằm huy động hiến kế sáng tạo, chủ động và đóng góp cho kinh tế tư nhân đối với sự phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên toàn cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tập đoàn kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng thông tin Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố COVID-19 là đại dịch. Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, Thủ tướng cho rằng lúc này các doanh nghiệp, tập đoàn là các “pháo đài” cùng cán bộ, công nhân lao động trong phòng, chống dịch.
Nhiều doanh nghiệp với hàng ngàn lao động cần có biện pháp chống dịch ở đơn vị mình và cho cả công nhân của mình. Đó chính là góp phần vào nỗ lực chống dịch của cả nước.
“Chúng ta cần lưu ý vấn đề này, chứ không phải chúng ta lại quên vấn đề chống dịch đối với các tập đoàn kinh tế tư nhân hay tất cả doanh nghiệp của Việt Nam” - Thủ tướng nói và khen ngợi nhiều tập đoàn đã làm tốt công tác này như ứng dụng công nghệ 4.0, giảm họp hành, quan tâm đến đời sống người lao động.
Bày tỏ vui mừng khi trong khó khăn, một số tập đoàn có sự chuyển hướng, bước đi phù hợp, vẫn phát triển tốt, Thủ tướng cho biết thời gian qua chúng ta thực hiện chính sách an sinh xã hội rất tốt.
"Chúng ta có đầy đủ bệnh viện dã chiến, các phương tiện, thiết bị cần thiết để chữa trị cho người dân, cho người cách ly. Tôi đã tuyên bố bảo đảm hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực cho nhân dân, không để thiếu hàng, tăng giá. Quý vị cũng phải đóng góp cho vấn đề này” - Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết ông vừa điện cho lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị tập trung cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19, không để có người tử vong.
"Chúng ta có chế độ cho người cách ly y tế. Bộ đội nhường doanh trại, đi mua tivi cho mọi người xem, hàng ngày mang cơm tới cho người cách ly. Chúng ta không quá sung túc nhưng không để thiếu thốn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết đã nhận được một số thông tin về việc một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ sớm phục hồi sản xuất rất nhanh.
“Chúng ta phải đón bắt thời cơ này, như chiếc lò xo bị nén lại, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế vươn lên, biến nguy cơ thành thời cơ. Chúng ta phải có thắng lợi kép, vừa chống dịch thành công vừa giữ vững kinh tế-xã hội, chuẩn bị mọi điều kiện để phát triển” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh qua cuộc gặp này, Chính phủ muốn chuyển tình cảm, chia sẻ, trăn trở cùng doanh nghiệp để chúng ta cùng tiến bước trong giai đoạn kết.