Vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam khoảng 120.000 đồng/liều

Sáng 10-12, Bộ Y tế, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen chính thức thông tin khởi động dự án thử nghiệm lâm sàng dự án vaccine phòng COVID-19.
Ông Hồ Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Nanogen - đơn vị nghiên cứu và sản xuất vaccine, cho biết suốt sáu tháng qua, việc nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 được đơn vị này ngày đêm triển khai với khoảng 300 nhân viên tham gia.
Tới nay, Nano Covax là vaccine đầu tiên của Việt Nam hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vaccine COVID-19 “made in Vietnam” đầu tiên đưa ra thị trường.
“Do được sự chỉ đạo từ Bộ Y tế và các đơn vị có liên quan, chúng tôi sản xuất vaccine theo yêu cầu của Nhà nước, được Nhà nước trợ giá nên có giá phù hợp, vào khoảng 120.000 đồng. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể sản xuất vaccine đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời gian sớm nhất” - ông Nhân cho biết.
Ông Hồ Nhân phân tích nhược điểm của loại vaccine này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào. Tuy vậy, ưu điểm lớn nhất của Nano Covax là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2-8 độ C).
TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), khẳng định việc thử nghiệm vaccine thành công hay không không chỉ phụ thuộc vào nhà sản xuất, nhà nghiên cứu, nhà quản lý mà còn phụ thuộc nhiều vào cộng đồng chung, toàn xã hội
GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết việc xét tuyến khởi động từ ngày 10-12 và dự kiến kéo dài 1-2 tuần, tới khi đủ số lượng. “Chúng tôi mới phổ biến sơ bộ trên báo chí và đã được rất đông đảo người tình nguyện gọi đến. Tôi nghĩ sự tin tưởng vào chất lượng vaccine, sự nhiệt tâm, sẵn sàng tình nguyện của người dân cùng chung sức vào việc có vaccine được sản xuất xuất tại Việt Nam và tiêm cho người dân an toàn, hiệu quả” - ông Quyết nhấn mạnh.

Nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Công ty Nanogen (quận 9, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Cũng trong sáng 10-2, có rất đông tình nguyện viên đã có mặt tại Học viện Quân y (Hà Nội) để đăng ký tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine phòng COVID-19 trên người do Việt Nam sản xuất.  
“Chúng tôi cam kết sẽ đặt tính an toàn của người tham gia lên cao nhất và là yếu tố hàng đầu khi thử nghiệm vaccine. Chúng tôi cam kết nếu không an toàn, Học viện Quân y sẵn sàng không thực hiện và không để tai biến xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Học viện Quân y đã chuẩn bị các điều kiện và yêu cầu cho cuộc thử nghiệm này.
Người đến tiêm thử nghiệm được theo dõi 72 tiếng và về theo dõi tiếp ở nhà với quy trình cẩn thận, sẵn sàng xử lý nếu có bất thường” - GS Quyết cho hay. 
Theo GS Quyết, trên cơ sở kết quả theo dõi, đánh giá sau 72 giờ sau tiêm vaccine trên ba người đầu tiên mới quyết định mức liều và số người tham gia tiếp theo. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ sáu kể từ liều tiêm đầu tiên. Theo kế hoạch, ngày 17-12 sẽ tiêm mũi vaccine đầu tiên cho người tình nguyện.

Công suất hiện tại của công ty có thể sản xuất 2 triệu liều/năm. Trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, công ty vừa sản xuất, vừa nâng cấp nhà máy để tối ưu hóa công suất lên 20-30 triệu liều/năm. Công suất lý tưởng là 50 triệu liều/năm. 

Ông HỒ NHÂN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, 
Tổng giám đốc Nanogen
 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm