Xã, phường đặt biển cấm chụp ảnh, đúng không?

Nhiều xã, phường trên địa bàn hai thị xã Dĩ An và Thuận An (Bình Dương) đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh và ghi âm.

Đi ngược với mô hình chính quyền thân thiện

Thời gian gần đây, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân trên địa bàn thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An về việc các trụ sở hành chính cấp xã, phường trên địa bàn đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm ngay cổng ra vào.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cổng trụ sở các phường như Đông Hòa, Dĩ An, trụ sở UBND thị xã Dĩ An (thị xã Dĩ An), phường Lái Thiêu, Bình Nhâm, Bình Hòa, ngay cả trụ sở UBND thị xã Thuận An cũng đều có biển cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm ghi bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh được đặt ngay cổng. Mỗi khi người dân đến đây cầm điện thoại hay máy chụp ảnh để chụp ảnh sẽ bị nhân viên tại đây nhắc nhở.

Tỉnh Bình Dương đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm giúp người dân thuận lợi trong công tác tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các địa phương đều mở nhiều kênh tiếp nhận thông tin như mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng tới lãnh đạo, cổng thông tin điện tử… để nhận phản ánh của người dân cùng xây dựng mô hình “chính quyền, công sở thân thiện”.

Tuy nhiên, trụ sở UBND xã, phường là nơi người dân thường ra vào để gặp gỡ lãnh đạo địa phương và làm thủ tục hành chính lại cấm ghi hình, chụp ảnh và ghi âm.

Ông Lê Đức Thành (ngụ thị xã Dĩ An) thắc mắc: “Trụ sở UBND phường không phải là cơ quan trọng yếu về bí mật quốc gia, không nằm trong khu vực cấm ghi âm, chụp ảnh và ghi hình thì tại sao lại phải cấm?”.

Trụ sở UBND phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An. Trụ sở UBND phường Bình Hòa, thị xã Thuận An.  Trụ sở UBND thị xã Thuận An. Trụ sở UBND thị xã Dĩ An.  Ảnh: VŨ HỘI

Sẽ bỏ biển cấm đặt sai quy định

Nói về việc đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm tại trụ sở UBND phường Lái Thiêu (thị xã Thuận An), ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, cho biết việc đặt biển cấm này đã có từ lâu. Nếu có thông tin phản ánh thì địa phương sẽ rà soát lại các quy định về khu vực đặt biển cấm để điều chỉnh cho phù hợp.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thuận An, giải thích: Trước kia công an các xã, phường trên địa bàn nằm trong trụ sở UBND, vì vậy việc có biển cấm quay phim, chụp ảnh là có yếu tố lịch sử để lại. Hiện nay có 9/10 xã, phường trên địa bàn công an đã có trụ sở riêng. Tuy đặt biển cấm như vậy nhưng thực tế người dân đến trụ sở vẫn có thể quay phim, chụp ảnh bình thường.

“Còn về tính pháp lý, Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 2-6-2016 của UBND tỉnh Bình Dương cũng không ghi UBND thị xã, phường là nơi cấm ghi hình, ghi âm nên việc đặt biển cấm như vậy là không phù hợp. Do đó, trong thời gian tới UBND thị xã sẽ rà soát lại và chỉ đạo cơ quan thực hiện đúng theo quy định. Chủ trương của chúng tôi luôn tạo môi trường thân thiện giữa chính quyền và người dân, tạo điều kiện để người dân giám sát cán bộ được tốt hơn…” - ông Tâm nói.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An Phạm Văn Bảy thì giải thích rằng việc đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh, ghi âm ở các trụ sở xã, phường trên địa bàn với mục đích để phòng ngừa kẻ xấu lợi dụng vào trụ sở công quyền gây chuyện rồi quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng với mục đích gây rối. Tuy nhiên, qua phản ánh của người dân thì lãnh đạo thị xã lắng nghe, cầu thị và sẽ chấn chỉnh, khắc phục.

Ông Bảy khẳng định: “Sẽ nhanh chóng đề nghị các đơn vị rà soát quy định, nếu thấy sai sẽ khắc phục ngay để người dân đến công sở cảm thấy an tâm và thoải mái, tạo sự thân thiện giữa chính quyền với người dân”.

Trụ sở UBND xã, phường không phải là địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh

Theo Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND ngày 2-6-2016 của UBND tỉnh Bình Dương thì trụ sở UBND xã, phường và cả trụ sở UBND huyện, thị, TP đều không nằm trong địa điểm cấm chụp ảnh, ghi hình và ghi âm. Vì vậy, việc các trụ sở UBND cấp xã, phường và cấp huyện, thị, TP đặt biển cấm là sai quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm