Trao đổi với PLO mới đây, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết TP đang phối hợp với các sở ngành xây dựng, cụ thể hóa nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP đang làm là chỉnh trang đô thị, trong đó có việc cải tạo những con suối tự nhiên, xây dựng lại các công viên cây xanh…
|
Hàng cây xanh cổ thụ trong lòng TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Xây dựng những con đường xanh, khu phố xanh
Từ 2022 – 2025, TP Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư hai dự án phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ nguồn vay lại vốn ODA với tổng mức đầu tư trên 2.700 tỉ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này sẽ dùng để cải tạo hạ tầng thuộc hành lang suối Ea Nao, Ea Tam.
Sau đó, nơi đây sẽ hình thành những khu đô thị, trung tâm thương mại, khu công viên cây xanh dọc hai con suối trên.
|
Lát đá chỉnh trang đô thị TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: HG |
“TP Buôn Ma Thuột từng được công nhận là một trong 10 đô thị xanh, sạch, đẹp của cả nước. Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành trồng cây xanh ở các tuyến phố, công viên, trường học... Đây là một trong những nhiệm vụ luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và đầu tư thực hiện” – ông Vũ Văn Hưng nói.
|
Ông Vũ Văn Hưng, Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: AX |
Theo đó, từ 2021 – 2025, TP Buôn Ma Thuột sẽ trồng 25 ha cây xanh tại các địa phương có đất rừng phòng hộ tại xã Hòa Thắng, xã Ea Kao và phường Ea Tam; trồng rừng sản xuất diện tích khoảng 50 ha, bình quân mỗi năm trồng khoảng 16.000 cây/năm.
Đối với cây xanh phân tán, tiến hành trồng 84.000 cây/5 năm, trong đó cây xanh đô thị dự kiến trồng khoảng 42.000 cây tại các công viên, vườn hoa; thảm cỏ tại quảng trường, cây xanh trồng theo hành lang sông, suối trong phạm vi đô thị thuộc ranh giới hành chính quản lý và cây xanh thuộc các khu vực công cộng khác trong đô thị. Cây xanh nông thôn trồng khoảng 42.000 cây trên đất vườn, ven đường, ven kênh mương, bờ vùng, bờ đồng…
|
Cây xanh phủ xanh TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng “Thành phố xanh”, TP Buôn Ma Thuột cũng đã đẩy mạnh kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng.
Ngoài ra, TP còn phát động phong trào toàn dân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh phân tán, vận động, kêu gọi xã hội hóa trồng rừng, trồng cây, xây dựng “con đường xanh”, “trường học xanh”, “khu phố xanh”, “nhà xanh”…
|
TP Buôn Ma Thuột về đêm. Ảnh: VŨ LONG |
“Tiềm năng của TP là những con suối để xây dựng những khu đô thị thông minh, các khu trung tâm thương mại, khu công viên cây xanh dọc hai con suối Ea Nao và Ea Tam. Khi hoàn thiện được việc làm này sẽ tạo ra sự khác biệt đối với các đô thị khác của cả nước” – ông Vũ Văn Hưng cho hay.
Giữ gìn bản sắc văn hóa người Tây Nguyên
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, Nghị quyết về áp dụng cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột sẽ là đòn bẫy và là cơ sở để hoàn thành mục tiêu định hướng xây dựng TP xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên.
|
Đường Lê Duẩn là một trong những con đường xanh, sạch, đẹp điển hình của TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Trong thời gian qua, UBND TP Buôn Ma Thuột đã từng bước triển khai chỉnh trang đô thị, rất nhiều dự án, công trình quan trọng.
Để có được hình hài TP như ngày nay, suốt nhiều thập kỷ qua, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh, của TP đã luôn chú trọng và có tầm nhìn, có quy hoạch phát triển cây xanh một cách bài bản. Đây cũng là cơ sở để xây dựng Buôn Ma Thuột xứng tầm là đô thị sinh thái, bản sắc và hiện đại theo Kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
|
Trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: daklak.buonmathuot.org.vn |
Lãnh đạo UBND TP Buôn Ma Thuột cũng cho biết, TP cũng đang duy trì và phát huy các buôn làng truyền thống trong đô thị để kết hợp tinh hoa của kiến trúc dân tộc truyền thống Tây Nguyên với môi trường sinh thái tự nhiên tạo thành khu đô thị hiện đại, đồng bộ có đặc trưng.
Chính quyền cũng đưa ra mục tiêu, hạn chế việc san lấp, bố trí quỹ đất dạng nhà ống quá nhiều hay bố trí quỹ đất ít đối với các không gian sinh hoạt cộng đồng trong đô thị và trong từng khu dân cư như công viên cây xanh, hoa viên..., lập đề án bảo tồn tôn tạo các buôn làng đồng bào dân tộc, làng nghề truyền thống. Tạo những cơ chế quản lý đầu tư xây dựng, phát huy kiến trúc truyền thống tại địa phương. Loại bỏ dần những công trình xây dựng không phù hợp... để TP Buôn Ma Thuột giữ vững kiến trúc cảnh quan đậm đà bản sắc của vùng Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh Đắk Lắk đánh giá Buôn Ma Thuột có thể tự hào là một TP phố xanh – sạch – đẹp, được du khách dành nhiều lời khen khi đến thăm và cũng là điểm sáng trong việc kêu gọi, huy động các nguồn lực chỉnh trang đô thị. TP cũng cần xác định rõ mục tiêu, quy mô xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm, mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, trong đó chú trọng xây dựng hình ảnh người dân Buôn Ma Thuột văn minh, thân thiện, mến khách, trách nhiệm với xã hội, cộng đồng, nhiều khát vọng, năng động sáng tạo.