Ngày 9-8, tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội thảo xây dựng Trường học hạnh phúc. Hội thảo thu hút sự tham dự của giảng viên các trường ĐH, giáo viên (GV) các trường THPT trong và ngoài công lập... trên địa bàn TP.
Quan tâm đội ngũ giáo viên
TS Nguyễn Thị Xuân Yến, khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng để xây dựng Trường học hạnh phúc trước hết cần nâng cao, phát triển năng lực nghề nghiệp của GV. Trong thời đại 4.0 hiện nay, vai trò của GV có sự thay đổi mạnh mẽ từ người truyền thụ một chiều sang người tổ chức, hướng dẫn, người xúc tác và điều phối lớp học.
TS Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM,gópýtại hội thảo. Ảnh: VÕ THƠ |
“Bên cạnh năng lực dạy học, GV cần có năng lực quản lý hành vi xã hội, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh (HS). GV cần trở thành cố vấn thông thái giúp HS phát triển cân đối toàn diện; biết truyền cảm hứng, động cơ học cho HS” - TS Yến nêu quan điểm.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |
Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc là việc tất yếu, quan trọng do đó cần thực hiện có chiều sâu và lan tỏa rộng rãi.
“Trước mắt, ngành giáo dục sẽ chọn một số đơn vị triển khai thí điểm để nhận xét, rút kinh nghiệm, đánh giá sự thay đổi của nhà trường khi triển khai thực hiện trước khi nhân rộng toàn TP” - ông Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Trường học hạnh phúc là mô hình không chỉ dừng lại khi hoàn thành hay dùng để đánh giá công tác thi đua mà là tiêu chí để mỗi trường phấn đấu mỗi ngày, để cho HS, GV mỗi ngày đến trường đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM DƯƠNG TRÍ DŨNG
Cùng ý kiến, TS Nguyễn Thị Minh, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM, cho rằng GV là một chủ thể quan trọng để xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, do đó cần tạo động lực làm việc cho GV.
“Khi sức khỏe tâm thần ở GV không tốt sẽ là nguyên nhân gây ra sự thờ ơ, bất mãn với công việc, nghiêm trọng hơn khi GV chịu đựng thêm các vấn đề về trầm cảm, lo âu và kiệt sức vì công việc” - TS Minh nêu ví dụ.
Hiện nay, tỉ lệ GV không chịu nổi những áp lực, căng thẳng đã tìm cách nghỉ việc tăng lên. Theo báo cáo năm 2022, tổng số GV bỏ việc trên cả nước hơn 16.000 người/tổng số 1,6 triệu GV, bình quân 100 GV có một người bỏ việc.
Do đó, để xây dựng Trường học hạnh phúc trước hết cần phải có các biện pháp để tạo động lực, tạo sự gắn kết giữa GV với nhà trường, làm cho tình yêu nghề giáo được nuôi dưỡng, phát triển trong chính đội ngũ GV.
Bên cạnh đó, thầy Nguyễn Minh Tâm, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM), cho rằng nên xây dựng Trường học hạnh phúc từ lớp học của mình.
Theo thầy Tâm, nhiều nơi nhận thức của các thành viên trong nhà trường về lớp học hạnh phúc còn sơ sài, phiến diện, chưa đầy đủ. Cho rằng lớp học hạnh phúc là làm cho HS hạnh phúc là đủ. Thế nhưng thực tế cho thấy GV không hạnh phúc thì HS cũng khó hạnh phúc được. Bài giảng của GV hạnh phúc mới thăng hoa, lan tỏa, truyền cảm hứng tới HS.
Tạo sự hài lòng cho phụ huynh, học sinh
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Trưởng phòng Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho rằng hiện nay việc có quá nhiều mô hình như trường học thân thiện, HS tích cực, trường học chuẩn quốc gia... các tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc có bị trùng lặp không?
“Khi xây dựng mô hình mới cần phát huy những hiệu quả, giá trị từ những mô hình trước đó mang lại để tránh bị trùng lặp và hạn chế tạo áp lực cho các trường học” - ông Tín nói.
Ngoài ra, việc xây dựng Trường học hạnh phúc cần phải chủ động, linh hoạt ứng dụng phù hợp với điều kiện của từng địa phương thay vì áp dụng đồng bộ các tiêu chí lên tất cả trường học trên địa bàn TP.HCM.
Thầy Tâm cũng nhấn mạnh: Xây dựng lớp học hạnh phúc đòi hỏi sự thay đổi từ mỗi thành viên trong nhà trường. Một số GV ngại sự thay đổi, không muốn thêm công việc, không muốn học tập bồi dưỡng thêm sẽ khiến cho việc thuyết phục các thành viên như phụ huynh HS, các đoàn thể khó hơn. Nhà trường cần huy động được sức mạnh tổng hợp của phụ huynh HS, hội nhóm tại địa phương… trong việc xã hội hóa cùng nhau xây dựng lớp học hạnh phúc.
Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM Trần Hải Yến cho rằng trước tiên phải xác định lộ trình cụ thể, ưu tiên triển khai những vấn đề quan trọng, cần thiết trước.
Chẳng hạn, tạo điều kiện để GV có thu nhập tăng thêm chính đáng bằng việc dạy thêm. Không nên khắt khe với nhu cầu chính đáng của phụ huynh, HS và thu nhập chính đáng của đội ngũ GV.
Đối với HS cần xây dựng chương trình giáo dục phù hợp, được tự do sáng tạo, nhiều hoạt động trải nghiệm, không có bạo lực học đường… Tạo sự hài lòng cho phụ huynh, HS từ những vấn đề nhỏ như nhà vệ sinh sạch sẽ, có nhạc du dương.
Bộ tiêu chí xây dựng Trường học hạnh phúc
Tiêu chí 1: Môi trường nhà trường (trường có cơ sở vật chất, trường học xanh, sạch đẹp, an toàn; quy tắc ứng xử trường học; đảm bảo sức khỏe thể chất, tinh thần; tôn trọng sự khác biệt; thân thiện…).
Tiêu chí 2: Dạy học và hoạt động giáo dục nhà trường (tích cực học tập nâng cao năng lực chuyên môn; học tập, kiểm tra, đánh giá phù hợp; lắng nghe, thấu hiểu, đối thoại tích cực; chuyển đổi số giáo dục...).
Tiêu chí 3: Các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (GV làm gương cho HS; GV và HS hợp tác chia sẻ, phối hợp hiệu quả với cha mẹ...).
(Theo dự thảo mô hình Trường học hạnh phúc, Sở GD&ĐT TP.HCM)