Mới đây một số chủ xe và tài xế xe tải chở hàng thủy sản đã khiếu nại Công an huyện Phú Tân, Cà Mau vì cho rằng bị xử phạt hành chính không đúng. Các xe này chuyên chở hàng thủy hải sản đi qua địa bàn huyện Phú Tân nhưng đã để nước trong các thùng xe rò rỉ xuống đường. Khi Đội CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế và môi trường công an huyện phát hiện thì bị xử phạt hành chính.
Khổ vì gặp “ông môi trường”
Theo trình bày của các chủ xe và tài xế, xe của họ chở ruốc biển tươi được chứa trong các thùng nhựa trước khi xếp lên thùng xe tải. Quá trình chạy khi đi qua các cầu, xe lên xuống dốc khiến các thùng nhựa bị nghiêng làm nước bên trong rò rỉ xuống mặt đường.
Ông Võ Tuấn Anh, chủ một xe tải, cho biết ông hết sức ngỡ ngàng khi bị xử phạt quá nặng. Theo ông Anh, hành vi này nếu bị CSGT hay thanh tra giao thông xử phạt thì mức tiền chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng, theo điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 46/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt). Cụ thể: Chở hàng rời, chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, cảnh sát môi trường công an huyện đã áp dụng khoản 3 Điều 20 Nghị định 155/2016 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), để xử phạt với mức tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Theo đó, đây là hành vi: Không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu hàng hóa, làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
Chiếc xe tải của ông Tô Minh Lai bị xử phạt 10 triệu đồng. Ảnh: T.VŨ
Chỉ là vi phạm giao thông?
Sau đó ông Anh và một chủ xe và hai tài xế khiếu nại cho rằng việc áp dụng Nghị định 155 là sai, đúng ra phải áp dụng Nghị định 46. Vì áp dụng xử phạt sai nên công an huyện phải trả bằng lái xe và giấy chứng nhận đăng kiểm xe.
Ngày 20-2, công an huyện mời ông Anh và ba người có khiếu nại lên để trao đổi và đối thoại. Tại buổi tiếp xúc này công an huyện khẳng định việc xử phạt như vậy là đúng. Vì lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện các lỗi vi phạm này là người làm công tác phòng, chống tội phạm về môi trường của công an huyện chứ không phải CSGT. Hơn nữa, Nghị định 155 mới có hiệu lực từ ngày 1-2-2017. Việc giữ giấy phép lái xe của tài xế và đăng kiểm xe là phù hợp để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, khi nào chấp hành xong thì công an sẽ trả.
Một chủ xe khác có đơn khiếu nại nhưng cũng bị bác là ông Tô Minh Lai, bức xúc: “Chúng tôi vi phạm thì chúng tôi chấp nhận bị xử phạt. Nhưng phạt như vậy là không phù hợp”. Theo ông Lai, tại buổi làm việc hai ông đã yêu cầu công an huyện giải thích từ ngữ thế nào là “Không dùng phương tiện thiết bị chuyên dùng”. Bởi việc đóng ruốc vào thùng nhựa kín sau đó mới xếp lên xe là đã đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường. Trong khi chở hàng là thủy sản, cụ thể là ruốc biển thì không có quy định bắt buộc phải dùng phương tiện, thiết bị chuyên dùng để chuyên chở.
Đáp lại, đại diện công an huyện nói: “Việc giải thích từ ngữ không thuộc trách nhiệm của công an huyện. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra công an đã phát hiện và ghi nhận hai xe chở ruốc tươi làm chất thải rỏ rỉ và phát tán ra môi trường…”.
Sai cả căn cứ lẫn thẩm quyền
Theo các chuyên gia pháp lý căn cứ và thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 155 của Công an huyện Phú Tân là chưa chính xác.
một giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM nói về mặt lý luận phải cắt nghĩa chính xác từ ngữ thì mới được áp dụng quy định. Theo công an, việc xe tải chở ruốc tươi đã làm rò rỉ, phát tán ra môi trường, ở đây cụ thể là nước thải. Trong khi khoản 1 Điều 3 Nghị định 155 quy định xả nước thải vào môi trường đất thì phải tính số lần vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, giá trị nguồn tiếp nhận Kq được tính bằng 0,6 theo quy chuẩn kỹ thuật đó. Như vậy, nếu xử phạt thì cơ quan chức năng bắt buộc phải tính toán, giám định các chỉ số kỹ thuật mà nguồn nước thải đó gây ô nhiễm. Ở đây chỉ là hành vi làm vương vãi nước ruốc trên đường gây mất vệ sinh môi trường, không phải ô nhiễm môi trường.
Cùng nhận định, luật sư (LS) Phạm Minh Tâm (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này là của CSGT huyện, căn cứ xử phạt là Nghị định 46/2016. Theo đó, khi phát hiện các xe tải vi phạm thì cảnh sát môi trường huyện phải thông báo để lực lượng CSGT đến lập biên bản xử phạt. Không thể lập luận như đại diện công an huyện rằng người phát hiện vi phạm là cảnh sát môi trường nên lực lượng này xử phạt. Công an đã xử phạt sai cả căn cứ lẫn thẩm quyền.
“Tôi khẳng định đây là vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể là hành vi gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường” - LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) nói. Theo LS Tuấn, không thể lý luận là việc chở hàng tươi sống để nước thải rò rỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bởi phạm vi điều chỉnh của Nghị định 155 chủ yếu là các vi phạm quy định về quản lý chất thải, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ… Nghị định này cũng quy định các hành vi vi phạm có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường khác thì áp dụng các nghị định khác để xử phạt. Trong khi điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 46 quy định rõ hành vi chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường thì bị xử phạt.
Như vậy việc khiếu nại của hai chủ xe là đúng, cảnh sát môi trường xử phạt là không đúng thẩm quyền. Do đó, công an huyện Phú Tân, Cà Mau nên hủy quyết định xử phạt trên để đề nghị CSGT huyện xử phạt theo Nghị định 46. Nếu sau khi khiếu nại không được, hai ông có thể khởi kiện yêu cầu tòa án huyện hủy quyết định hành chính. Riêng việc giữ bằng lái và đăng kiểm là đúng theo quy định xử phạt hành chính.
Công an huyện bảo lưu ý kiến Chiều 1-3, trao đổi qua điện thoại với Pháp Luật TP.HCM, Phó trưởng Công an huyện Phú Tân, Cà mau, ông Nguyễn Hoàng Chiến, khẳng định việc xử phạt là đúng quy định. Ông Chiến chỉ nói ngắn gọn: Công an huyện giữ quan điểm như đã thể hiện tại buổi đối thoại và trả lời khiếu nại đối với những người khiếu nại. |