Mấy hôm nay dân cư mạng xôn xao chuyện “cái rào chắn” trên vỉa hè không ngăn nổi những tay lái xe gắn máy lượn qua lượn lại, “mềm mại” một cách kệch cỡm, mặc cho phía sau bao điều dèm pha.
Có lẽ cực chẳng đã chính quyền mới dùng cách này để đối phó với sự vô ý thức của một số người tham gia giao thông khiến hình ảnh đô thị trở nên xấu xí.
Trước đó vài tháng, người ta cũng “đỏ mặt tía tai” khi làn xe buýt nhanh bị các tay xe máy, xe ô tô “cưỡng đoạt” không thương tiếc. Và nhà nước cũng phải tốn thêm tiền làm rào chắn riêng cho buýt nhanh, dẫu bất tiện và không thẩm mỹ một chút nhưng cứu được một giải pháp hay giảm tải cho giao thông đô thị.
Căn bệnh mà một số người đang mắc phải, từ hai ví dụ trên, chính là bệnh “không có ý thức tự giác”. Căn bệnh này đã không còn thuốc chữa?
Tôi thấy họ đi xe tay ga xịn, họ mặc vest chỉnh chu, họ xài điện thoại thông minh cho phép họ nhìn thấy thế giới văn minh đến chừng nào. Nhưng khi ngồi lên phương tiện giao thông, họ gạt bỏ tất cả những ý niệm về sự tự giác, xem thường lòng tự trọng của mình và đánh giá của xã hội.
Có lẽ họ nghĩ tất cả điều đó không mang lại cho họ tiền bạc, xe xịn, điện thoại sang trọng hay những bộ quần áo lịch lãm?
Tôi sang Đức học tập chưa đầy một năm, và nhận ra nguồn căn của rất nhiều vấn đề xã hội nằm ở sự tự giác.
Các phương tiện giao thông ở Đức luôn đi đúng phần đường của mình
Các tuyến đường đô thị của Đức đan xen nhau, giữa tàu điện, ô tô, xe buýt, xe đạp. Thế nhưng kiếm một cái rào chắn sắt như ở Việt Nam thì quả thật hiếm.
Tất cả đều tự giác: từ việc dừng đèn đỏ đúng vạch, kiên nhẫn chờ cho người đi bộ hoàn tất việc qua đường dù đã đèn xanh, đến việc thắng xe nhường người đi xe đạp băng qua đường. Họ tự giác nối đuôi nhau hàng cây số ở làn đường họ được phép đi, dù cho làn đường bên cạnh đang trống vắng.
Làn của xe đạp thường xuyên trống, nhưng không có một phương tiện nào vượt vạch để cố vượt lên.
Tiếp đó là tính tự giác của người tham gia phương tiện giao thông công cộng. Nguyên tắc rất rõ ràng là người xuống tàu, xe buýt sẽ xuống trước. Người khuyết tật sẽ được ưu tiên lên trước, rồi lần lượt phía sau nối đuôi nhau. Trật tự và lịch sự.
Ở Đức và nhiều nước Châu Âu, tàu điện và xe buýt nội thành dùng hệ thống bấm vé tự động. Bản thân người Đức tự giác mua vé, dù ít khi có người kiểm tra (xem bạn có tự giác mua vé và bấm vé hay không). Đa phần người Đức cho rằng việc trốn vé tàu là không có đạo đức, trong khi nhiều người trốn vé lại cho rằng mình “thông minh”.
Để có được sự tự giác này, theo tôi quan sát, người Đức bị tác động bởi hai yếu tố căn bản: giáo dục và luật pháp. Trẻ con Đức ngay từ nhỏ được giáo dục về giá trị của tất cả mọi thứ xung quanh chúng, từ cái xích đu chúng chơi trong trường học, ly nước công cộng chúng uống đến điện dùng thắp sáng bóng đèn căn phòng của chúng.
Tất cả đều phải được tôn trọng bởi ý thức tự giác. Tôi có quen bác phụ huynh người Việt, kể rằng có đứa cháu sinh ra bên này, khi thấy bố mẹ chúng bật đèn khi trời còn sáng, thì cậu bé không đồng ý.
Với những trường hợp giáo dục không làm thay đổi tính tự giác, Đức dùng hệ thống luật pháp. Từ việc vượt đèn đỏ (dù dưới 1 giây), đến việc lấn làn đường (dù ít hay nhiều) đều bị phạt nặng. Hay ngay như tội trốn vé tàu, chẳng may bị kiểm tra bất ngờ thì mức phạt gấp vài chục lần so với số tiền lẽ ra phải trả cho một tấm vé.
Nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị ghi vào danh sách đen, tước bỏ nhiều quyền lợi xã hội khác. Ngoài ra, luật còn phạt người tham gia giao thông bằng hình thức bắt đi học luật lại nếu muốn tiếp tục sử dụng phương tiện.
Chuyện cái rào chắn ở một số tuyến đường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy căn bệnh thiếu tự giác cần có liều thuốc mạnh mới được.