Đạo diễn Kim Eui Sung (Hàn Quốc) là nhân vật đang tạo sự chú ý của khán giả và nghệ sĩ trong giới với vở kịch Kẻ nói dối đa tình do ông dàn dựng đang diễn tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM (còn gọi sân khấu 5B). Ông Kim chỉ là một trong nhiều đạo diễn sân khấu kịch người nước ngoài tham gia dựng kịch tại TPHCM.
Đạo diễn Kim Eui Sung trao đổi với diễn viên Ngọc Trinh về vở kịch Kẻ nói dối đa tình |
“Văn hóa Việt cuốn hút chúng tôi”
Cơ duyên đưa Kim Eui Sung đến Việt Nam, năm 1992, là khi ông tham gia bộ phim Tạm biệt sông Ba (truyền hình Hàn Quốc hợp tác với Việt Nam sản xuất). Văn hóa và con người Việt Nam đã có sức hấp dẫn đối với ông. Năm 2004, ông được mời đến TPHCM làm cố vấn nghệ thuật cho bộ phim truyền hình nhiều tập Mùi ngò gai (do Hãng phim Gia đình Việt và Công ty CJ Media Hàn Quốc phối hợp sản xuất). Từng làm diễn viên 10 năm trước, hiện nay Kim Eui Sung là giám đốc tổ chức biểu diễn và đào tạo diễn viên trẻ của một trung tâm nghệ thuật tại Hàn Quốc.
Kim Eui Sung cho biết: “Vở kịch Kẻ nói dối đa tình do nghệ sĩ Ngọc Trinh bỏ vốn đầu tư theo mô hình xã hội hóa của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM. Cô đã mời tôi làm đạo diễn. Vở đã được dàn dựng và biểu diễn suốt 10 năm tại Hàn Quốc, nay được chuyển ngữ sang tiếng Việt và các nhân vật được đổi tên Việt để khán giả dễ nhớ, tôi cảm thấy thú vị bởi diễn viên Việt Nam rất thông minh. Văn hóa của các bạn đã cho tôi nhiều ấn tượng. Tôi quyết định sẽ học tiếng Việt để sau này mở một trung tâm đào tạo diễn viên trẻ tại TPHCM”.
Tương tự như Kim Eui Sung, đạo diễn Roger Chamberlain (54 tuổi) người Anh đến Việt Nam nhiều lần và cho biết chính văn hóa Việt đã giữ chân ông ở lại TPHCM. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa kịch nghệ năm 1960 và Đại học Bristol Old Theatre năm 1970, ông đã cùng với hai đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Đình Thi dàn dựng kịch bản Roméo và Juliet tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Ông nói: “Văn hóa của các bạn có một đặc điểm rất thú vị, đó là văn hóa mở với nhiều mối quan hệ đan xen, liên quan lẫn nhau, nên rất dễ truyền tải những thông điệp giáo dục thông qua kịch”.
Đạo diễn Mac Loughlin Shaun cũng đến từ Anh. Ông được Hội đồng Nghệ thuật của Trường Old Vic Bristol (Anh Quốc) mời sang TPHCM dàn dựng vở Nỗi đau nhân loại, dựa trên cảm hứng từ tác phẩm Othello của Shakespeare và Truyện Kiều của Nguyễn Du. ông cho biết: “Tôi thích phong cách diễn xuất của diễn viên Việt Nam, rất chân thành và tự nhiên, như chính cuộc sống của các bạn vậy”.
Đạo diễn Yuuki Ippei (Nhật Bản) từng đến Việt Nam dàn dựng vở Hạc chiều và ông sắp sửa dàn dựng vở Đêm thứ 13 tại Nhà hát Thế giới trẻ TPHCM cũng phấn chấn: “Văn hóa Việt mang lại cho tôi nhiều thích thú khi khám phá, nhất là sự mộc mạc trong diễn xuất của diễn viên và một đời sống sân khấu rất náo nhiệt tại TPHCM”. Ông tâm sự: “Làm việc với các bạn diễn viên Việt Nam, tôi hết sức thú vị. Ở Nhật, tôi khao khát có được một nhà hát với nhiều diễn viên trẻ như ở các bạn. Đời sống ở Nhật rất đắt đỏ nên việc dàn dựng một tác phẩm là rất tốn kém. Tôi chọn Việt Nam để thỏa mãn những ước mơ nghệ thuật của mình”.
Cơ hội học hỏi lẫn nhau
Cảm nhận đầu tiên mà hầu hết người xem dành cho vở Kẻ nói dối đa tình là tính chuyên nghiệp trong dàn dựng, diễn xuất được bảo đảm tuyệt đối. Nhờ yếu tố này mà các diễn viên trẻ tự tin hơn trong diễn xuất. Vở Hạc chiều của đạo diễn Yuuki Ippei đã từng được dàn dựng trên sân khấu cải lương từ nhiều thập niên trước, với tên gọi Cánh hạc chiều đông, hoặc Dệt gấm. Thế nhưng, với công sức dàn dựng bằng cả tâm huyết và sự sáng tạo của đạo diễn Yuuki Ippei, vở diễn đã thu hút sự chú ý của công chúng và tạo ấn tượng đẹp cho người xem qua cách bố cục cảnh trí, ánh sáng và sử dụng âm nhạc hỗ trợ cho diễn xuất của diễn viên. Vở Nỗi đau nhân loại, từng diễn tại sân khấu 5B, đã là tác phẩm đỉnh cao của đạo diễn Mac Loughlin Shaun và vở diễn đã tạo được ấn tượng qua cách xử lý tài tình giữa hai tác phẩm văn học ở hai nền văn hóa Đông – Tây.
NSND Phạm Thị Thành cho biết: “Nhìn cách dàn dựng của đạo diễn nước bạn sẽ thấy họ kỹ đến từng chi tiết. Tôi thích nhất cách thực hiện trang trí của vở bằng mô hình qua việc dàn dựng vở Hạc chiều của đạo diễn Yuuki Ippei. Ở sân khấu TPHCM – nơi được xem là đất sống của sân khấu chuyên nghiệp, ấy thế mà rất ít họa sĩ thiết kế sân khấu thực hiện mô hình cho tác phẩm, trong khi đạo diễn Yuuki Ippei thì tỉ mỉ làm từng mô hình”.
Nghệ sĩ Hoàng Sơn, diễn viên trong vở Kẻ nói dối đa tình, cho biết: “Khi bước vào sàn tập, tôi bị thu hút bởi cách làm việc nghiêm túc của đạo diễn Kim Eui Sung. Nhờ vậy mà ý thức trách nhiệm diễn cho xứng đáng với niềm tin của đạo diễn đã hình thành trong tôi cũng như các diễn viên khác. Đạo diễn Kim sẵn sàng ăn cơm hộp, ngả lưng trên sàn tập để chờ đến giờ tập trong những phút nghỉ trưa ngắn ngủi”.
Bằng những hình thức thể nghiệm như đã từng dàn dựng nhiều kịch bản của Shakespeare tại Mỹ, hai đạo diễn Mark Woollett và Candace Clift đã giới thiệu với khán giả những xử lý không gian sân khấu mang tính thể nghiệm táo bạo, để các diễn viên tự tin đi vào câu chuyện kịch với suy nghĩ rất thời đại: phóng xe mô tô, đánh kiếm, bắn súng và những lời thoại gần với cuộc sống hôm nay. Hầu như không có lời nhắc tuồng vang ra như một số sàn diễn chuyên nghiệp ở Việt Nam khi ra mắt vở mới.
Xu hướng mời đạo diễn các nước đến Việt Nam tham gia dàn dựng đã góp phần mang lại sự phong phú đa dạng trong đời sống sân khấu, đồng thời tạo điều kiện để các đạo diễn trẻ có thể tiếp cận với những kinh nghiệm dàn dựng quý thông qua các vở diễn.
Xu hướng tất yếu Ngày càng có nhiều đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam tham gia dàn dựng các tác phẩm sân khấu, mở ra xu hướng giao lưu văn hoá về mặt dàn dựng và biểu diễn trong lĩnh vực sân khấu kịch nói. Tính đến nay, có trên 10 đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam tham gia dàn dựng mà theo lời đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, thì “Năm 2009 sẽ là năm có nhiều kịch bản nước ngoài được Việt hóa và có nhiều vở diễn sẽ sang giao lưu với các nước bạn”. Được biết, vở Hạc chiều của đạo diễn Yuuki Ippei không chỉ dừng lại ở việc công diễn tại TPHCM và các tỉnh trong cả nước, mà còn được lên kế hoạch lưu diễn tại quê hương của tác giả Kinoshitajunji, đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giao lưu văn hóa Việt – Nhật năm 2009. Đạo diễn Kim Eui Sung cũng cho biết sẽ mời một số diễn viên đang tham gia vở Kẻ nói dối đa tình sang Hàn Quốc kết hợp với một số diễn viên Hàn diễn vở kịch này. |
Theo Thanh Hiệp (NLĐ)