Sau khi các bô lão tổ chức cúng bái cầu cho dân làng làm ăn bội thu, sóng yên biển lặng tại đình làng là ba hồi báo hiệu buổi lễ chính thức khai diễn.
Trên bàn thờ tổ, một bô lão tung tiền và phẩm vật xuống sân đình cho các em bé lượm (các em bé được hoá trang thành loài cá, mực, tôm…). Ðang lúc các em mãi mê lượm tiền đám chủ thuyền khiêng một chiếc khe mành, cốt bằng tre, đan chắc chắn, phất bằng giấy, trên khe có một người ngồi, tiến vào sân đình. Người này tung lưới vây quanh đám trẻ. Các chủ thuyền theo ghe, đồng giữ lưới thành một vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp lại, vây kín đám trẻ (như hoạt động bủa lưới).
Các em bé tượng trưng cho các đàn cá đang ăn mồi tìm cách thoát khỏi lưới. Các chủ thuyền làm các động tác gọi cá, bắt cá. Họ bắt vài con cá đẹp lên cúng trên bàn thờ vị khai canh. Những con cá khác được các bà buôn cá gánh ra chợ bán, hoặc gánh xuống bờ phá cạnh đó rửa nước muối. Các chủ thuyền bán cá xong, kéo nhau vào một điạ điểm để chia tiền bán cá. Sau trò chơi này là lễ hội sông nước đua ghe trên phá Tam Giang.
Được biết, Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian lâu đời với lịch sử hơn 500 năm. Lễ hội cầu ngư được tổ chức để tỏ lòng nhớ ơn vị khai canh làng là Trương Thiều, được gọi một cách kính cẩn là Trương Quý Công. Ông là người sáng lập ra làng và bày cho dân làng nghề đánh cá và buôn bán ở vùng biển. Khi ông mất, dân làng ghi nhớ công ơn ấy, nên tổ chức lễ hội để tỏ lòng biết ơn. Lễ hội tổ chức ba năm một lần vào ngày mất của ông để ghi nhớ công ơn người vừa sáng lập làng, lại là vị tổ sư nghề nghiệp; chứng tỏ lòng thành kính của dân làng.
Hình ảnh lễ cầu ngư:
VIẾT LONG