Năm 2020, chi tiêu quân sự và quốc phòng toàn thế giới lên mức cao nhất mọi thời đại với gần 2.000 tỉ USD. Phần lớn dành cho mua sắm vũ khí, thiết bị quân sự như xe tăng, máy bay, tên lửa và các hệ thống phần cứng và vũ khí khác.
Không nhiều nước có ngành công nghiệp tư nhân đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu quân đội, phải dựa vào thương mại quốc tế để mua sắm vũ khí.
Sử dụng dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) 24/7 Wall St. (Mỹ, trang web chuyên tin tức tài chính về thị trường chứng khoán, các ngành công nghiệp và chính sách của chính phủ đối với nền kinh tế) ngày 11-1 xác định 25 quốc gia là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất.
Xe tăng chiến đấu K-2 của Hàn Quốc do Hyundai Rotem Co. phát triển, được triển khai tại cuộc triển lãm quốc phòng Defense Expo Korea 2022 ở một căn cứ quân sự ở Pocheon (Hàn Quốc) vào ngày 20-9-2022. Ảnh: BLOOMBERG |
Các nước được xếp hạng dựa trên giá trị xuất khẩu vũ khí trong tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ năm 2017 đến năm 2021.
25 nước đó là: Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Ý, Anh, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Israel, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Ukraine, Thụy Sĩ, Úc, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nam Phi, Belarus, Brazil, NaUy, Ấn Độ, CH Czech, và Jordan. Chỉ riêng Mỹ (39%) và Nga (19%) chiếm hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Các liên minh quốc tế chiến lược thường được phản ánh trong các quốc gia bán vũ khí cho nhau. Khoảng 23% tổng vũ khí xuất khẩu của Mỹ đến Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông. Những khách hàng mua vũ khí lớn thứ hai và thứ ba của Mỹ là Úc (9,4%) và Hàn Quốc (6,8%) cũng là những đồng minh chủ chốt của Mỹ. Đây là những quốc gia mua nhiều vũ khí nhất từ Mỹ.
Với Nga, khách hàng lớn nhất là Ấn Độ (28%), lớn thứ hai là Trung Quốc (21%), lớn thứ ba là Ai Cập (13%). Theo trang Foreign Policy gần đây, việc bán vũ khí của Nga cho một số quốc gia châu Phi đã bị cắt giảm đáng kể do hậu quả trực tiếp của cuộc chiến giữa Nga với Ukraine.