Xin đừng trút giận lên con trẻ!

Trong tuần qua, thông tin về vụ người cha ném con gái xuống sông do mâu thuẫn với vợ đã khiến nhiều bạn đọc phẫn nộ với tội ác của người cha này.

Theo thông tin, tối 16-2, Trần Văn Viên xảy ra mâu thuẫn với vợ. Bực tức, Viên ẵm con gái năm tuổi trên tay mang ra bến phà xã Tam Hải (Quảng Nam) ném xuống sông. Tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương cùng người dân tổ chức tìm kiếm. Rạng sáng 17-2, thi thể cháu bé được tìm thấy cách hiện trường khoảng 50 m. Đây chỉ là vụ án đau lòng gần đây nhất khi nạn nhân là trẻ em.

Lực lượng chức năng đưa Trần Văn Viên đến hiện trường vụ án. Ảnh: TN

Tội ác từ sự ích kỷ

Bạn đọc Tân An bình luận: “Chuyện của cháu bé bị chính người cha ném xuống sông khiến ai nghe qua cũng thấy đau lòng. Thế nhưng, loại tội phạm này cũng từng xảy ra trong những vụ án gần đây. Thông thường, gia đình không hạnh phúc thì con cái sẽ là nạn nhân đầu tiên. Nếu còn nhân tính và yêu thương thì mọi vấn đề cũng dễ xử lý, thế nhưng khi đã ly hôn, những người ích kỷ thường đem con cái ra để trả thù hay để giày vò đối phương xem ai sợ ai. Loại tội phạm này thật đáng sợ và cần được xử nghiêm”.

“Con là núm ruột của mình đã tạo ra, mà không hiểu sao họ lại nỡ ra tay tàn ác như vậy. Quả thật, tôi không dám xem lại camera hay hình ảnh dựng lại hiện trường bởi không nghĩ được tại sao người cha lại ác đến vậy. Tôi nghĩ đến là bị ám ảnh đến không ngủ được. Trong thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ án ra tay tàn độc với trẻ con. Người ra tay có khi chính là người thân trong gia đình của trẻ. Vì thế, các tổ chức bảo vệ trẻ em hiện nay cần được trao quyền và hành động nhiều hơn để ngăn ngừa các vụ tương tự xảy ra” - bạn đọc Ngọc Hạnh nêu.

Bạn đọc Ngân Quỳnh ý kiến: “Trẻ nhỏ phải luôn cần có người bảo vệ, chăm sóc và người làm việc đó không ai khác chính là người mẹ. Thế nên cho dù cuộc sống này khó khăn như thế nào và cho dù cuộc hôn nhân có trọn vẹn hay không thì người mẹ hãy luôn sát cánh bên con. Nói như vậy cũng không phải phủ nhận hết vai trò của người cha, vẫn có những người cha rất tốt với con cái, gia đình. Cái cần lên án là những người cha, người thân có cách suy nghĩ ích kỷ, trả thù đối phương bằng việc hành hạ con trẻ. Làm như thế là tàn ác và người đau khổ sau này cũng chính là bản thân người đó thôi”.

Cách để nhận biết người có xu hướng bạo hành

Trên thực tế đã có nhiều vụ bạo hành xảy ra và trở thành những án mạng đầy thương tâm mà nạn nhân chính là những trẻ em còn rất nhỏ, chưa biết cách tự bảo vệ mình.

Vậy làm cách nào để nhận biết người có xu hướng bạo hành? ThS tâm lý Lê Minh Huân đã đưa ra một số nhóm người có xu hướng bạo hành trẻ em như: Người có tiền sử bạo hành người khác từ nhẹ đến nghiêm trọng; người từng bị bạo hành, ngược đãi trong quá khứ; cách thức giao tiếp áp đặt, tỏ ra quyền uy và độc đoán; hay nạt nộ, lớn tiếng…

Theo ThS Huân, chúng ta không cổ súy cho nạn bạo hành hay bênh vực kẻ bạo hành nhưng có thể nhận thấy rằng những người bạo hành biết được hành vi của mình là sai trái, là phạm tội nhưng không phải lúc nào họ cũng kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của chính mình.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết người từng bị bạo hành sẽ gặp khó khăn về tâm lý, nhân cách có thể phát triển kém lành mạnh, lệch lạc hoặc thiếu hoàn thiện. Các tổn thương dai dẳng có thể thôi thúc họ “trả thù” hoặc “giận cá chém thớt” và trút giận lên người khác nhằm xoa dịu cơn đau của mình. Họ kiểm soát cơn giận kém, hành vi bạo hành có thể đến từ người có trình độ cao hay thấp, ý thức tốt hay kém, công việc ổn định hay bấp bênh…

“Để tránh những vụ bạo hành trẻ em đau lòng xảy ra, chúng ta cần nhận biết sớm những người có xu hướng bạo hành. Hạn chế cho trẻ sống hoặc tiếp xúc nhiều với người có hành vi bạo hành. Điều quan trọng nhất là cha, mẹ hãy bỏ ngay những cách suy nghĩ trả thù đối phương và trút giận lên con cái. Chúng ta phải biết kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ của mình và biết yêu thương con trẻ” - ThS Huân khuyến cáo.•

4 số điện thoại cần gọi khi biết trẻ em bị xâm hại

Để tránh xảy ra những vụ bạo hành trẻ em thương tâm tương tự trong thời gian qua, người lớn chúng ta cần phải có hành động thiết thực để cùng nhau bảo vệ trẻ khỏi sự nguy hiểm của kẻ bạo hành.

Nếu phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục... thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thông báo ngay cho nơi tiếp nhận thông tin.

Hiện nay, người dân ở tất cả tỉnh, thành đều gọi được Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH quản lý). Riêng tại TP.HCM, ngoài tổng đài 111, người dân có thể gọi đến các số điện thoại từ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em như sau:

1900.54.55.59 - Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM).

1800.90.69 - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

113 - cơ quan công an.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm